Wednesday, April 16, 2014

Bút Ký Chiến Trường / Phan Rang 1975



8-16.4.1975: Phan Rang Thất Thủ
Bút ký chiến trường của Cố Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang

*Cộng quân tấn công căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã
Ngày16/4/1975, Cộng quân đã mở cuộc tấn công cường tập vào vị trí phòng ngự của lực lượng Dù và Địa phương quân vòng quanh căn cứ Không quân, đồng thời pháo kích vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo. Cùng lúc đó, Cộng quân tấn công mạnh vào thị xã Phan Rang.

-Trưa ngày 16/4/1975, thị xã Phan Rang nằm trong tay Cộng quân. Tại bộ Tư lệnh mặt trận Phan Rang đặt trong căn cứ Không quân, Cộng quân xua quân tiến sát đến vòng đai phi trường, Trung tướng Nghi, Tư lệnh Tiền Phương Quân đoàn 3, và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, cho lệnh các sĩ quan và đơn vị trú phòng tùy nghi phân tán.
-Sau hàng loạt pháo kích bắn phá căn cứ phi trường, doanh trại và hệ thống công sự phòng thủ, Cộng quân cho bộ binh và thiết giáp đánh thẳng vào căn cứ. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Sang đã bị Cộng quân bắt sau đó.
15 Ngày Tử Thủ Phan Rang
Hồi ký chiến trường của cố Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân-Nhớ lại suốt hạ tuần tháng 3 năm 1975, sau khi có lệnh bỏ Huế và Đà Nẵng, các đơn vị ta cứ lần lượt tháo lui, làm các tỉnh thành, quận lỵ phải rút theo, tạo ra cảnh đổ vỡ tan thương cho không biết nhiêu gia đình quân nhân cũng như dân chính. Tốc độ rút lui nhanh hơn tốc độ truy đuổi. Các đơn vị VC đến tiếp thu, không bị đánh chận, nên cứ ung dung tiến vào thành phố đã bị bỏ ngỏ.
Đến khi vào tiếp thu Nha Trang, chúng vẫn cứ tin rằng Phan Rang cũng đã bỏ chạy, nên tiếp tục cho các toán tiền thám cứ tiến vào. Ngạc nhiên, và cũng là lần đầu tiên bị ngăn chận trước khi đến Phan Rang, chúng bèn tháo lui về hướng Bắc, vào ẩn nấp trong vùng Ba Ngòi chờ viện binh. Mãi đến ngày 16/4/1975, khi tung ra toàn lực áp đảo, chúng mới vào được Phan Rang. Vào thời điểm các đại đơn vị ta rút lui, mà không có một sự kháng cự đáng kể nào để làm khó khăn và thiệt hại cho đối phương, thì căn cứ Phan Rang đã anh dũng chống cự, và đã làm thiệt hại đáng kể cho quân đội chánh quy Bắc Việt.
Chiến trận tại Phan Rang có thể chia ra làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhứt từ ngày 1 đến 3/4/1975, là giai đoạn hình thành tuyến phòng thủ, với Sư đoàn 6 Không quân và Tiểu đoàn 5 Dù thuộc Lữ đoàn 3 Dù cùng một số đơn vị Địa phương quân còn lại.

Sư đoàn 6 Không quân gồm:
- 3 Phi đoàn A-37, 524, 534, 548
- 1 Phi đội A-1
- 2 Phi đội tản thuơng 259 B và 259 C
- 2 Phi đoàn Trực thăng 229 và 235
Lữ đoàn 3 Dù gồm:
- Bộ chỉ huy
- Tiểu đoàn 5
Giai đoạn thứ hai từ ngày 4 đến 12/4/1975, là giai đoạn củng cố tuyến phòng thủ, với sự thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3, với Lữ đoàn 2 Dù. Đây là thời gian đem đến ít nhiều lạc quan trong việc ổn định tình hình sau nhiều ngày xáo trộn. Một số đơn vị nhỏ của địch đã hoàn toàn bị đẩy lui khỏi đèo Du Long rút về ém quân tại khu Vườn Dừa, Cam Lâm đợi tăng viện.
Lữ đoàn 2 Dù gồm:
- 3 Tiểu đoàn 3, 7, 11
- 1 Tiểu đoàn Pháo binh
- Các đại đội Trinh sát, Công binh, Quân y, Truyền tin, Yểm trợ Tiếp vận .
Giai đoạn thứ ba từ 13 đến 16/4/1975, là giai đoạn của trận chiến quyết định, với các đơn
vị gồm:
- Liên đoàn 31 Biệt động quân gồm 3 Tiểu đoàn 31, 36 và 52.
Tăng cường cho Bộ Tư Lệnh Tiền phương: - Toán Thám sát/Nha Kỹ thuật .
Sư đoàn 2 Bộ binh gồm:
- 2 Trung đoàn 4 và 5
- 2 Pháo đội gồm 10 khẩu 105 ly
- 2 Chi đội Thiết Vận Xa gồm 10 chiếc
Lực lượng Hải quân gồm:
- Duyên đoàn 27
- 2 Khu trục hạm
- 1 Giang pháo hạm
- 1 Hải vận hạm và một số tàu yểm trợ .
Trong 2 ngày 13 và 14, Lữ đoàn 2 Dù được lịnh rút về Saigon. Liên đoàn 31 Biệt động quân và Sư đoàn 2 Bộ binh ra thay. Vừa thay quân vừa chiến đấu, và phòng tuyến Phan Rang bị tràn ngập vào trưa ngày 16/4/1975, bởi 2 sư đoàn VC 325 và 3 Sao vàng, cùng với các đơn vị của Đoàn 968 VC. Trong ngày 14/4/1975, ngoài Duyên đoàn 27 đã có mặt tại Phan Rang, Hải quân Saigon tăng cường khẩn cấp 2 Khu trục hạm, 1 Giang pháo hạm, 1 Hải vận hạm cùng một số tàu yểm trợ.
Lực lượng địch: Theo tù binh thuộc Đoàn Hậu cần 57 địch bị bắt tại đèo Du Long ngày 9/4/1975, các cấp chỉ huy địch ngỡ Phan Rang đã bỏ chạy, nên tiếp tục cho các bộ phận truy đuổi, cứ yên tâm tiến vào tiếp thu. Bị đánh đuổi, chúng lui về lẫn trốn vùng Vườn Dừa, Ba Ngòi chờ đại quân của 2 Sư đoàn 3 và 325 VC từ phía Bắc đến. Các nhóm du kích vẫn hoạt động gần phi trường. Đoàn 968 VC vừa ghi nhận có mặt. (xác nhận bởi Đại tá Nguyễn Thu Lương và Trung Tá Phạm Bá Mạo khi bị đơn vị nầy bắt tại mặt trận.) .
I. HÌNH THÀNH TUYẾN PHÒNG THỦ
Kể từ ngày 1/4/1975, sau khi Nha Trang bỏ ngỏ, căn cứ Phan Rang đương nhiên trở thành căn cứ tiền tuyến của Miền Nam. Buổi tối cùng ngày, Trung tá Lê Văn Phát, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3 Dù cùng Bộ chỉ huy Lữ đoàn và một phần của Tiểu đoàn 5, trên đường rút từ Khánh Dương xin vào để chờ phi cơ về Saigon. Căn cứ tôi lúc bấy giờ rất là trống trải, vì một số lớn quân nhân Địa Phương Quân canh gác vòng đai đã bỏ nhiệm vụ. Trong căn cứ, một số quân nhân trẻ nổ súng loạn xạ vì lo sợ vu vơ. Ngoài thị xã, Tỉnh trưởng đã rời nhiệm sở, dân chúng thì ngơ ngác, phân vân. Trên quốc lộ 1 và 11 hướng về Saigon, từng đoàn xe dân sự và quân sự chật nứt người rầm rộ tiếp nối nhau chạy giặc. Tệ hại hơn nữa là Đà Lạt cũng bỏ chạy, và đoàn xe của Trường Võ Bị Đà Lạt đang theo Quốc lộ 11 trên đường đi Bình Tuy cũng vừa chạy ngang căn cứ. Lúc nầy thực sự, căn cứ tôi đang trở thành tiền đồn và đang ở trong tình trạng hết sức cô đơn.
Chuẩn bị tìm phương kế giữ an toàn, tôi chỉ thị hạn chế sự ra vào căn cứ để tránh xáo trộn do toán người tháo chạy mang đến. Vì vậy nên khi nghe có đơn vị Dù xin vào căn cứ, tôi liền hỏi xin lệnh Bộ Tư Lệnh KQ. Được biết đó là do Bộ Tư Lệnh Dù yêu cầu để Lữ đoàn III được văo căn cứ như đơn vị tăng phái phối hợp phòng thủ, tôi mới thuận cho đoàn quân của Trung tá Phát vào phi trường. Thật là đúng lúc cần thiết và tôi rất bằng lòng có thêm người để giữ an toàn cho căn cứ hiện trong tình trạng bỏ ngỏ. Tôi phối họp ngay với Trung tá Phát để phối trí việc phòng thủ căn cứ với Không đoàn Yểm Cứ của Trung tá Phạm Bá Mạo và Trung tá Nguyễn Văn Thiệt vì căn cứ mênh mông với vòng đai hình vuông mỗi cạnh 6 km, mà Liên đoàn Phòng Thủ chỉ có khả năng phụ trách canh gác vòng đai gần mà thôi. Dù muốn dù không, căn cứ không quân Phan Rang đã trở thành tiền đồn của Miền Nam mà tôi đang là người có nhiệm vụ phải chống giữ. Tôi chỉ thị Trung tá Diệp Ngọc Châu Phụ tá Nhân Huấn phải theo dõi sát vấn đề nhân viên, để đừng xảy ra tình trạng bung chạy, vì quá hoang mang, giao động trước việc, có thể chiến đấu như bộ binh.
Trung tá Phát sử dụng Đại đội Trinh sát Dù, bung ra kiểm tra nội vi căn cứ và đánh đuổi một vài tên du kích mon men vào Đồn Đại Hàn gần cổng số 2 của căn cứ. Về phần Không quân, các cấp phi hành và kỹ thuật đê am hiểu tình hình mới, chấp nhận thực trạng và hết mình nỗ lực chiến đấu vì nhu cầu phòng thủ. Vào buổi chiều, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ghé căn cứ thăm hỏi tình hình. Sáng hôm sau, rời căn cứ bay về Saigon.
Ngày 2/4/1975, Saigon tăng cường một đơn vị Dù. Trung tá Phát liền sử dụng để kiện toàn an ninh cho phi trường và phối hợp với các đơn vị Địa phương quân trong việc giữ an ninh cho thị xã. Lúc 2 giờ chiều, tôi bay xuống Phan Thiết đón Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3. Khi gặp tôi, ông nói sở dĩ muốn gặp tôi tại Phan Thiết là để xác nhận sự hiện hữu của Phan Rang, mà giờ nầy lẽ ra cũng đã bỏ chạy như Nha Trang và Cam Ranh rồi. Sau khi nghe tôi thuyết trình tình hình, Trung tướng Toàn nói:" kể từ buổi thị sát nầy, Phan Rang sát nhập vào Quân đoàn III, trở thành cứ điểm cực Bắc của quân đoàn." Cùng ngày tôi nhận được lệnh Bộ Tổng tham mưu chỉ định tôi phụ trách bảo vệ Phan Rang.
Ngày 3/4/1975, TĐ5 Dù để tạm kiểm soát các khu vực cạnh thị xã và nội vi phi trường. Từ Ba Râu đến Thị xã, dân chúng bớt hoảng sợ mặc dầu sanh hoạt vẫn còn rụt rè. Trong căn cứ Không đoàn Yểm Cứ đã chấn chỉnh an ninh nội bộ khiến cho căn cứ lần lần lấy lại sinh hoạt bình thường.
Đại tá Lê Văn Thảo Không đoàn trưởng Không Đoàn 92 Chiến Thuật với 3 phi đoàn A-37, 524 Thiên Lôi, 534 Kim Ngưu và 548 Ó Đen. đã sát cánh cùng đoàn viên xuất kích đêm ngày rất hữu hiệu. Trung tá Lê Văn Bút Không đoàn trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật với 2 phi đoàn trực thăng 229 và 235, 1 phi đoàn Quan sát 118 và một bộ phận của Phi đoàn 530 A-1 với Phi đội tản thương 259 C, đã bay thi hành nhiều công tác khó khăn nguy hiễm. Trung tá Đổ Hữu Sung và đoàn kỹ thuật gan dạ, chu toàn mọi công tác sửa chữa và trang bị dưới làn pháo kích ngày đêm của địch.
Theo tin tức của các quân nhân ta từ các nơi ghé xin phương tiện về Saigon, thì VC đang xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Tôi liền cho phi cơ quan sát bao vùng và chỉ điểm cho phi cơ A-37 đánh phá. Cộng thêm các khó khăn, việc tiếp tế nhiên liệu đang gặp trở ngại vì xe bồn không cung cấp như bình thường, bởi cảng Cam Ranh đã bị địch chiếm. Vì vậy hàng ngày, tôi phải nhận tiếp tế từ Saigon bằng phi cơ C-130, một số lượng nhiên liệu tối thiểu cho hành quân mà thôi. Để tránh hỗn loạn khi bị pháo kích dồn dập, tôi cũng phải cho nửa số phi cơ về trú đêm ở Saigon, để sáng hôm sau trở ra với đầy nhiên liệu.
Trong ngày, khi biết có tàu Mỹ đang lảng vảng ngoài vịnh Phan Rang để chở một số người, tôi liền cử Trung tá Lý Văn Bút dùng trực thăng đáp trên một trong những tàu đó để chào hỏi và cho biết hiện tình ở Phan Rang. Tiếp đón và trả lời những điều muốn biết trong lối 1/2 giờ, Hạm trưởng thúc giục Trung tá Bút rời tàu. Xuyên qua lời trình thuật của Trung tá Bút, tôi để hiểu rõ ràng là trong cấp thời, Mỹ không còn có ý định dính líu gì nữa đến cuộc chiến đang diễn tiến hiện nay.
II. BỘ TƯ LỆNH TIỀN PHƯƠNG
Phan Rang nằm vào phía Nam của một thung lũng hẹp bao bọc bởi các dải núi về hướng Tây, Bắc và Đông Bắc, có các cao điểm và đèo Du Long rất thuận tiện cho việc phòng ngự. Ngày đêm phi cơ trong căn cứ liên tục quan sát bao vùng và oanh tạc ngay các mục tiêu bị phát hiện. Các đơn vị VC đã tiến quá xa với hậu tuyến của họ. Họ chỉ mới tiếp thu Nha Trang và Cam Ranh. Với mức độ hành quân 10 cây số ngày hoặc gia tăng với phương tiện chiếm được thì không thể tập trung tấn công ngay được. Có thể có những phần tử lẻ tẻ đã xâm nhập và đang ém quân, nhưng ngoài ra Phan Rang chưa có nguy cơ bị tấn công ngay bởi quân chánh quy. Muốn tấn công, có thể chỉ có từ 2 hướng: Một là từ hướng Bắc, theo QL 1 tiến qua đèo Du Long thẳng vào thị xã và hai là từ hướng Tây tấn công từ Khrông Pha qua Tân Mỹ hướng về thị xã Phan Rang. Ngoài ra còn có một ít đường mòn từ Vườn Dừa, Ba Ngòi chạy theo hướng Nam Tây Nam sát căn cứ KQ hướng về Tân Mỹ có thể chọn để xâm nhập được. Trong lần bay quan sát chiều ngày 14.4.75, tôi thấy một vài thiết vận xa địch trên những đường mòn nầy vào hướng Tây Bắc của căn cứ, cách khoảng 8 km. (Đương nhiên, khi bị phát hiện, chúng đều lẫn trốn trước khi bị oanh tạc.)
Thị xã và Phi trường Phan Rang nằm vào phần Nam của cái thung lũng đó. Quốc lộ 1 và đường xe lửa chạy song song xuyên qua đèo Du long về thị xã, tách ra tại Thôn Ba Râu, chạy sát phi trường rồi tiến về Nam không qua thị xã. Từ thị xã đến Du Long khoảng 15 km với Ba Râu khoảng 9 km và với Cà Đú khoảng 4 km. Từ Cà Đú đến thị xã, mặt đất bằng phẳng. Phi trường Phan Rang rất rộng, hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 6 km, nằm giữa QL 1 và QL 11 và sát với đường xe lửa về hướng Đông, cách thị xã 5km và Nha Trang khoảng 80km. Có 2 đường bay song song, 1 bằng xi măng cốt sắt và 1 bằng vĩ nhôm dài 10.000 bộ, rộng 150 bộ. Có đầy đủ cơ sở cho kỹ thuật, tiếp liệu với các bồn xăng và kho bom theo tiêu chuẩn an ninh tối tân. Việc phòng thủ bao gồm 60 chòi gác, với 2 cổng chung quanh căn cứ do 7 đại đội Địa phương quân phụ trâch.
Ngày 4.4.1975, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chánh thức đến Phan Rang cùng với toán truyền tin và chuyên viên, nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, và thiết lập Bộ chỉ huy Tiền Phương trong Căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân, nằm vào lối 5km Bắc Tây Bắc của Thị xã Phan Rang. Ông cho biết là đã được Thượng cấp chấp thuận gởi ra một số đơn vị chưa bị ảnh hưởng của việc rút quân để giữ Phan Rang. Bởi tin tưởng vào lời hứa hẹn nầy, nên Ông rất vui lòng đảm nhận chức vụ . Vì địa thế của Phan Rang có nhiều thuận lợi cho việc phòng thủ, nên Trung tướng Nghi quan niệm: " Phải chống giữ mặt Bắc từ Quận Du Long, mặt Tây từ Quận Tân Mỹ và phải giữ an toàn cho căn cứ Không quân, cũng như giữ an ninh cho Thị xã phối hợp với một số đơn vị Địa phương quân còn lại."
Theo quan niệm đó, Trung tướng Nghi thảo ra kế hoạch phòng thủ Phan Rang với một lực lượng cỡ 2 sư đoàn mới có thể trong tạm thời phòng thủ được. Đó là:
**Mặt Bắc, trên Quốc lộ 1 trấn giữ các điểm cao tại đèo Du long với một dải chiến tuyến hùng hậu tại Du Long cùng các tuyến phụ tại Ba Râu và Ba Tháp để ngăn chận mọi cuộc tấn công hướng vào thị xã hoặc vào căn cứ.
**Mặt phía Tây, trên Quốc lộ 11, án ngữ tại vùng Tân Mỹ, một chiến tuyến để chận địch và bảo vệ mặt Tây và Nam của phi trường.
**Bảo vệ an ninh cho thị xã và phi trường do các đơn vị chánh quy phối hợp với Địa phương quân phụ trách.
Ngày 5.4.1975. Trong ngày, thỉnh thoảng vẫn có vài quân nhân Không quân thất lạc trình diện xin phương tiện về Saigon và luôn xác nhận là vẫn có một số VC xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Chúng nói vì có quân Dù của ta ở phía trước nên chúng còn nấp chờ chi viện. Ngoài ra Tướng Times, phụ trách an ninh cho Tòa Đại sứ Mỹ, đến thăm và nói sẽ sắp xếp cho người của ông thường xuyên ở lại đây, để chuyển tin ngay về tòa đại sứ. Trong mấy ngày qua, tôi đã điều hành công việc như là cấp có trách nhiệm ở Phan Rang, ngoài trách vụ chuyên môn là phụ trách Sư đoàn 6 KQ. Vô tình tôi đã biến căn cứ Không quân Phan Rang thành một cứ điểm phòng thủ tiền tiêu của cuộc chiến tranh rất phức tạp nầy.
Ngày 6.4.1975, sinh hoạt trong căn cứ không quân đã có sự bình thường và các phi vụ đều được thi hành như thông lệ. Thêm một số quân nhân của 7 Đại đội Địa phương quân phụ trách canh gác vòng ngoài phi trường tiếp tục trở về. Quân địch sau khi chiếm Nha Trang, liền vội vã đến tiếp thu Cam Ranh. Toán viễn thám của họ theo đã chạy tiếp thu, có thể đã xâm nhập từ Vườn Dừa, Ba Ngòi, qua đồi Du Long, xuống về phía Nam. Các Sư đoàn xâm nhập chưa thấy xuất hiện. Chỉ biết có đơn vị F-10 hoặc 968 đang lẫn núp xâm nhập lẻ tẻ.
Ngày 7.4.1975 là ngày đáng ghi nhớ. Đại tá Trần Văn Tự, Tỉnh trưởng Phan Rang, vừa trở về với một số công chức, và đang tập họp các lính Địa phương quân và Nghĩa quân. Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Dù, với 3 Tiểu đoàn 3, 7, 11 và 1 Tiểu đoàn Pháo binh cùng các Đại đội Trinh sát, Công binh, Quân y, Truyền tin, Yểm trợ Tiếp vận lần lượt đến căn cứ. Trung tướng Nghi liền giao cho nhiệm vụ chiếm các cao điểm và tổ chức tuyến phòng thủ tại Du Long mặt Bắc và tại Tân Mỹ mặt Tây. Tập trung lực lượng khi cần để chận không cho địch vượt qua Du Long. Sử dụng Tiểu đoàn 5 Dù của Trung tá Phát hiện có mặt tại căn cứ giữ an ninh cho phi trường.
Ngày 8.4.1975, khi đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn 2 Dù đến căn cứ, Đại tá Lương liền điều động giải tỏa đoạn Quốc lộ 1, từ Thị xã đến Du Long, qua các Thôn Cá Đú, Ba Tháp, Ba Râu và Du long, với 2 Tiểu đoàn 11 và Tiểu đoàn 3. Trên đường tiến quân, Tiểu đoàn 3 Dù đuổi địch chạy tán loạn khỏi Ba Tháp và Ba Râu. Địch tổn thất khoảng một đại đội với nhiều vũ khí. Tiểu đoàn 11 được trực thăng của Sư đoàn 6 Không quân, đưa đến chiếm Du Long, và các cao địa trọng yếu kiểm soát đường đi Du Long. Bắt sống tại đèo Du Long, 7 xe tiếp tế thuộc đoàn hậu cần địch cùng một số quân lính VC, vì ngỡ Phan Rang đã bị chúng chiếm, nên cứ ngang nhiên di chuyển. Đồng thời, tìm thấy bộ đồ bay của Trung úy Lý Tống, thuộc Không đoàn 92 Chiến thuật/ Sư đoàn 6 Không quân, còn để tại vùng đèo Du Long, khi phi cơ A-37 của mình vừa bị bắn rơi, lúc cùng phi đội oanh tạc khu Vườn Dừa. (Trung úy Lý Tống là người đã thả truyền đơn chống cộng tại Saigon năm 1992, tại Cuba trong năm 2000 và tại Saigon cuối năm 2000, nhân dịp Tổng Thống Bill Clinton đến thăm Việt Nam.)
Tại phía Tây, phần lớn của Tiểu đoàn 5 Dù đã trấn ngữ đầu cầu hướng về Tân Mỹ, ngừa được sự tấn chiếm từ hướng nầy. Trong căn cứ, toán Trinh sát Dù cũng lại đuổi khỏi đồn Đại Hàn một số quân nhân địch vừa lén lút xâm nhập. Tiểu đoàn 7 trừ bị giám sát việc giữ an ninh trong căn cứ không quân với Tiểu đoàn 5 của Lữ đoàn 3 Dù. Kết quả là trong ngày nầy, Phan Rang đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình vốn bị trì trệ từ khi Nha Trang và Cam Ranh tháo chạy. Buổi sáng, lúc Trung úy Nguyễn Thành Trung vừa oanh tạc Dinh Độc Lập, thì Bộ Tư Lệnh Không Quân bảo tôi phải cho ngăn cản và bắt đáp, nếu Trung bay qua Phan Rang. Lệnh đã được cấp tốc thi hành, và Trung đã không bay qua đây. Đặc biệt Cha giáo sứ Hồ Diêm, với niềm phấn khởi, đến thăm Trung tướng Nghi để hoan nghênh quân Dù đã giải tỏa được Phan Rang. Điểm đáng đề cao là chính Cha, cùng với lực lượng Nghĩa quân và Nhân dân tự vệ của giáo sứ, đã thành công bảo vệ địa phận mình chống lại các cố gắng len lỏi xâm nhập của địch.
Ngày 9.4.1975, Trung tá Lê Văn Bút, Không đoàn trưởng Không đoàn 72 Chiến Thuật, bay chỉ huy 40 trực thăng HU với 12 trực thăng Võ trang cơ hữu cùng 8 trực thăng Chinook từ Biên Hòa biệt phái. Mục đích là để lên Khánh Dương tìm kiếm và chở về các toán còn kẹt lại của Lữ đoàn 3 Dù, gồm 2 Tiểu đoàn 2 và 6 cùng một số quân của Tiểu đoàn 5, lúc Nha Trang rút chạy. Cùng đi có Trung tá Trần Đăng Khôi, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 3 Dù phụ giúp tìm kiếm, chọn bãi đáp để rước toán thất lạc nầy trở về. Bấy giờ khu vực Khánh Dương đa trở thành vùng địch kiểm soât, nên tôi cho bay theo 2 phi đội A-37 yểm trợ. Kết quả là đoàn trực thăng đã mang về đến căn cứ Phan Rang, hơn 600 người mà phần lớn là quân nhân của các Tiểu đoàn 2 và 6, cùng một số thất lạc của Tiểu đoàn 5 với một số ít dân sự chạy loạn đi theo. Toán nầy vào buổi chiều được chở toàn bộ vào Saigon. Cuộc hành quân trực thăng vận thành công tốt đẹp, đem về được số quân nhân thất lạc của Lữ đoàn 3 Dù. Thật đúng là một chuyến bốc quân lịch sử. Đoàn trực thăng 60 chiếc đã phải bay qua vùng địch chiếm với mọi hiểm nguy và bất trắc khôn lường.
Trong thị xã, Đại tá Trần Văn Tự Tỉnh trưởng tiếp tục chấn chỉnh các phần vụ hành chánh, đồng thời lo chỉnh đốn hàng ngũ các đơn vị Địa phương quân. Ngoài thị xã, dân chúng hãy còn e dè ở lại, nhưng không tuôn chạy nhiều như những ngày trước. Cuộc sống có chỉ dấu trở lại bình thường, tạo nhiều phấn khởi.
Các ngày 10 và 11. 4.1975 có được sự yên tĩnh trong toàn bộ vùng Phan Rang. Bộ Tư lệnh tiền phương đang trù tính kế hoạch chiếm lại Cam Ranh để sau đó lấy lại Nha Trang. Địch sau khi bị đuổi khỏi các địa điểm xâm nhập đang tập trung ém quân tại vùng Vườn Dừa ở Cam Lâm chờ đợi viện quân.
Ngày 12.4.75 là ngày khởi đầu có bất trắc trong việc phòng thủ Phan Rang.
Lệnh từ Quân đoàn III cho biết sẽ rút Lữ đoàn 2 Dù và Tiểu đoàn 5 Dù vào ngày 13.4.1975, và thay bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu đoàn, và Sư đoàn 2 Bộ binh với 2 trung đoàn, cùng 2 Chi đội Pháo và Chi đội Thiết vận xa. Liên đoàn 31 Biệt động quân vừa rút khỏi Chơn Thành, sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghỉ dưỡng quân, thì được tung ra tiền tuyến với quân số thiếu thốn trầm trọng. Sư đoàn 2 Bộ binh cũng vừa tháo chạy từ Quảng Ngãi, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lịnh phải ra Phan Rang, trong khi cả đơn vị hãy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung thiết bị, đơn vị nầy phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các trung đoàn ra Phan Rang bằng đường bộ.
Bộ Tổng tham mưu Phòng 7 vừa bổ sung toán thám sát, vì kiểm thính phát hiện rộ lên nhiều liên lạc vô tuyến của các đơn vị địch xung quanh Phan Rang. Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng Tư lệnh Sư đoàn Dù và Trung tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân, cùng đến thám sát công cuộc phòng thủ. Cả hai vị đều tỏ ý bất đồng về việc điều quân nầy. Trung tướng Minh nói để căn cứ không quân làm tiền đồn là sai lầm, vì khi hữu sự dưới lằn đạn pháo thì không thể sửa chữa, trang bị cho phi cơ có khả năng hành quân như yêu cầu được. Chuẩn tướng Lưỡng cũng nói, muốn giữ Phan Rang làm bàn đạp để lấy lại Cam Ranh và Nha Trang, tại sao lại rút đơn vị đang chiến đấu tốt mà thay bằng 2 đơn vị đã từng vội vã rút quân và còn đang chờ đợi bổ sung quân số. Trung tướng Nghi cũng bất ngờ vì không có được những đơn vị như đã hứa trước lúc ra nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang.
III. TRẬN CHIẾN QUYẾT ĐỊNH
Ngày 13.4.1975 là ngày đánh dấu nhiều việc không may xảy đến cho tuyến phòng thủ Phan Rang. Trong ngày, liên tục toán kiểm thính Phòng 7 TTM báo cáo có sự hoạt động bất thường của các đơn vị Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 Bắc Việt. Tướng Times của Tòa Đại sứ Mỹ hấp tấp bay đến, dẫn theo Ông Lewis, chuyên viên truyền tin, để chuyển về Tòa Đại sứ mọi biến chuyển mới nhứt của mặt trận. Ông Lewis ở lại, rất tích cực làm việc và rất bình tĩnh lúc địch dồn dập tấn công.
Sau mấy ngày ém quân, địch bắt đầu chuyển quân từ khu ém quân và khởi sự pháo kích văo căn cứ không quân. Các đơn vị địch đang tìm cách tấn công các điểm cao ở vùng đồ Du Long và phía Đông Ba Râu. Đơn vị địch 968 cũng bắt đầu xâm nhập lẻ tẻ từ phía Tây của căn cứ không quân, phối họp với từng đợt pháo kích. Tiếc thay, trong tình thế như vậy mà cơ cấu phòng thủ phải thi hành lệnh thay quân đang chiến đấu tốt, bằng 2 đơn vị vừa mới được bổ sung sau khi bị tổn thất nhiều về trang bị và tinh thần. Trong khi bộ phận lớn của Lữ đoàn 2 Dù, gồm Tiểu đoàn 7 với các bộ phần nặng và Tiểu đoăn 5 của Lữ đoăn 3 Dù rời căn cứ, thì Đại tá Nguyễn Văn Biết, chỉ huy trưởng Liên đoàn 31 Biệt động quân và 3 tiểu đoàn 31, 36 và 52 cũng vừa từ Biên Hòa tới bằng phi cơ C-130. Quân số Liên đoàn gồm khoảng 1.000 người. Các đơn vị liền vội vã đến trám vào các địa điểm đóng quân của Tiểu đoăn 11 Dù tại Du Long và Ba Râu. Tiểu đoàn 31 trám tại Du long, Tiểu đoàn 36 trám từ Ba Râu đến Cá Đú và Tiểu đoàn 52 làm trừ bị. Đang thay quân thì chạm súng với các toán thăm dò của địch. Cùng lúc, Trung đoàn 4 của Sư đoàn 2 Bộ Binh, quân số khoảng 450 người, từ Bình Tuy theo đường bộ cũng vừa tới, và được giao trách nhiệm trấn giữ mặt Tây căn cứ và bảo vệ phi trường thay cho Tiểu đoàn 5 Dù vừa rời căn cứ.
Theo khuyến cáo của Bộ Tư lệnh Không quân, Đại tá Nguyễn Đình Giao, Tham mưu trưởng Sư đoàn 6 Không quân được nhiệm vụ cùng các chuyên viên về Tân Sơn Nhất để phụ lo việc quân số và tiếp liệu cho Sư đoàn.
Ngày 14.4.1975, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, cùng Trung đoàn 5 vừa đến với khoảng 450 quân, được giao nhiệm vụ bảo vệ mặt Nam căn cứ và phi trường vì Lữ đoàn 2 Dù đã hết nhiệm vụ và đã bàn giao với Trung đoàn 4 hôm qua. Lực lượng Pháo binh chỉ có 1 Pháo đội 105 ly hiện diện tăng phái cho Tiểu khu trong đó có một Trung đội đóng tại An Phước, phía Nam phi trường lối 10 km. Thị xã được phòng vệ bởi khoảng 1 tiểu đoàn Địa phương quân còn lại. Cùng lúc, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, theo lệnh, đề cử Đại tá Trương Đăng Liêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 giữ chức vụ tỉnh trưởng thay Đại tá Trần Văn Tự. Cũng để dự phòng cho những ngày tác chiến sắp tới, Bộ Tư lệnh Không quân cũng vừa gởi đến, một phi cơ C-47 để tăng cường phương tiện hành quân cho Bộ Tư lệnh Hành quân.
Bên ngoài căn cứ, từ sáng sớm, địch lần lượt tung vài đơn vị cấp Đại đội từ khu ém quân, đánh thăm dò cơ cấu phòng thủ tại Du Long và Ba Râu. Một trong các đơn vị nầy đã xâm nhập được vào cổng số 2 phi trường về phía Bắc, lúc mờ sáng. Phi cơ trực thăng tuần tiểu phát hiện, và cùng với trực thăng võ trang, yểm trợ cho một bộ phận của Tiểu đoàn 11 Dù đang chờ phi cơ về hậu tuyến, được gởi ra tiêu diệt toán xâm nhập nầy. Kết quả địch rút chạy, bỏ lại gần 100 tên bị hạ với khoảng 80 vũ khí đủ loại, trong đó có 2 súng cối 82 ly và 2 khẩu đại bác không giựt 75 ly. Ta chỉ có 6 chiến sĩ hy sinh và 1 thiết vận xa phòng thủ phi trường bị cháy. Trung tướng Nghi tưởng thưởng ngay huy chương Anh dũng bội tinh cho các quân nhân hữu công. Khoảng trưa, Tướng Nghi và tôi cùng Đại tá Lương chạy xe thong thả từ phi trường đến Ba Tháp, Ba Râu và Du Long thị sát công việc phòng thủ. Tại Du Long Tướng Nghi có tập họp và trấn an số Nghĩa quân có mặt tại đây.
Tóm lại, mặc dầu hôm nay có các cuộc đánh thăm dò của địch, mặt trận vẫn đứng vững như những ngày qua. . Ngày 15.4.1975 từ sáng sớm địch liên tục pháo từng chập văo căn cứ. Buổi chiều khoảng 2 giờ, có phái đoàn của Trung tướng Trần Văn Đôn Tổng trưởng Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 đến thị sát mặt trận. Sau khi thăm thị xã, nghe Tướng Nghi thuyết trình tình hình và ghi nhận các đề nghị, Trung tướng Tổng trưởng Quốc phòng tỏ vẻ chú trọng đến việc phòng thủ Phan Rang và hứa sẽ tìm mọi cách bổ sung đầy đủ mọi trang thiết bị thiếu hụt. Từ chiều trở đi, Trung tướng Nghi liên tiếp nhận được tin địch sẽ tập trung tấn công đêm nay. Một trong những công điện của Bộ chỉ huy địch với danh hiệu Sông Hồng, đóng tại Ba Râu, cho hay địch sẽ tấn công vào Phan Rang lúc 5 giờ sáng. Tiến quân theo đường rầy xe lửa cùng với 300 chiến xa, theo quốc lộ 1 phát xuất từ rừng dừa ở Ba Ngòi. Biết ý định của địch, Trung tướng Nghi báo động ngay mọi nơi đề phòng, đặc biệt là Liên đoàn 31 Biệt động quân có nhiệm vụ án ngữ ở Du Long.
Quả nhiên, sau 8 giờ tối địch gia tăng cường độ pháo vào phi trường, đồng thời cho di chuyển suốt đêm rất nhiều đoàn xe chở bộ binh, thiết giáp, pháo binh v.v… Chúng vượt đồi Du Long, chủ yếu chỉ để tràn qua phòng tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 31 Biệt động quân mà tiến nhanh về hướng Nam. Tiểu đoàn 31 đã ở tại chỗ chiến đấu gan dạ mặc dầu đoàn xe địch vượt được qua. Tại Ba Râu, Ba Tháp và Cá Đú, từ địa điểm đóng quân chờ di chuyển về hậu cứ, từ 2 giờ sáng trở đi, Tiểu đoàn 11 Dù trừ và Tiểu đoàn 3 Dù, cùng với Tiểu đoàn 36 Biệt động quân vừa trám chỗ, chạm địch ác liệt, làm chậm sức tấn công ồ ạt của đoàn cơ giới địch. Liên tục bị oanh kích, chúng tẻ xuống đường, tắt đèn và lại tiến tới. Phi cơ A-37 không ngớt tung xuống đợt oanh tạc ngăn chăn, nhưng vì không đủ phương tiện soi sáng và hỏa long, nên chúng vẫn tràn qua, sau khi bị tổn thất khá nặng nề. Bên ta có 4 A-37 bị bắn bể bình xăng phải về đáp. Trận nầy Không đoàn 92/Chiến thuật đã tung toàn lực phi cơ cơ hữu kể cả 4 A-1 của Phi đoàn 530 . Tôi cùng Trung tá Lưu Đức Thanh Phụ tá Hành quân Sư đoàn 6 KQ đích thân theo dõi trận đánh suốt đêm. Chúng tôi liên tục đốc thúc phần tham gia của không quân, kể từ lúc các đơn vị bộ binh chạm súng, liên tục báo cáo địch đang sử dụng hàng đoàn xe để đến sáng chạy từ Du Long tràn xuống. Cuối cùng, đoàn xe tắt đèn vượt qua Ba Râu, và chiếm thị xã lúc 7 giờ sáng ngày 16.4.1975.
Tại Bộ chỉ huy tiền phương, Trung tướng Nghi cũng theo dõi trận chiến suốt đêm và không nhận được tin gì từ Du Long của Liên đoàn 31 Biệt động quân sau 3 giờ sáng. (Sau nầy, Thiếu tá Đào Kim Minh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 36 Biệt động quân và Thiếu tá Nguyễn Văn Tú Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 31 Biệt động quân có nhiệm vụ trấn giữ Ba Râu và Du Long cho biết không hiểu vì lý do gì mà từ 2 giờ sáng không liên lạc được với Bộ chỉ huy. Sở dĩ cần liên lạc khẩn cấp là vì đã 3 ngày, từ lúc thay quân, cứ liên miên đụng địch nên cấp số đạn dược mang theo đã gần cạn. Đến sáng, khu vực trách nhiệm vẫn yên tịnh như sau những lần chạm súng. Trên đường vẫn an toàn nhưng nhìn vào phi trường thấy đang bị pháo kích.)
Ngày 16.4.1975, lúc vừa sáng, địch lại lẻ tẻ xâm nhập vào cổng số 2 của phi trường về hướng Bắc và kho bom ở hướng Tây. Đến khi phòng không chúng, bắn trúng chiếc phi cơ quan sát O-1 vừa cất cánh quan sát hành quân, phải trở lại đâp khẩn cấp, thì đồng thời chúng gia tăng số lượng pháo kích. Lúc bấy giờ mới khoảng gần 8 giờ sáng. Đại tá Biết bỗng báo cáo là Du long bị mất và địch đã vào thị xã khiến cho Trung tướng Nghi phải tìm phương thế thích nghi. Cùng lúc, Chuẩn tướng Nhựt vừa đặt văn phòng cạnh Văn phòng Trung tướng Nghi, liền được mời tham gia vào việc duyệt xét tình hình. Sau đó Ông đi thị sát mặt trận tại nơi trách nhiệm của đơn vị mình .
Trong khi Trung đoàn 4 Bộ Binh đang án ngữ bên ngoài phía Tây của phi trường và Trung đoàn 5 đang phòng ngự địch tràn lên từ thị xã, thì bên trong căn cứ tình hình bắt đầu có chiều hướng bất lợi. Địch vẫn giữ mức độ pháo kích quấy rối từng chập. Nhân có các khoảng trống giữa những đợt pháo kích, một số lớn phi cơ đã rời căn cứ. Còn lại chỉ có một số rất ít trực thăng võ trang và tản thương ở lại đến phút chót.
**Khoảng hơn 9 giơ sáng, khi trực thăng võ trang bị hỏa tiển SA7 bắn tại ngọn đồi gần phi trường thì tình hình đã khá nguy ngập. Trung đoàn 4 báo cáo đang chạm địch. Toán Dù bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương đang thanh toán các toán VC lẻ tẻ chạy lạng quạng gần khu vực Bộ Tư lệnh Tiền phương. Đến lúc nầy, Trung tướng Nghi vẫn tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Trung đoàn 4 bảo vệ phi trường và Trung đoàn 5 án ngữ ngăn chận địch tràn vào cổng số 1 của căn cứ.
**Đến khoảng gần 10 giờ, khi tiếng súng càng lúc càng dồn dập, Tướng Nghi liền họp cùng Chuẩn tướng Nhựt, Đại tá Lương và tôi để tái duyệt xét tình hình. Vì lẽ mặt trận đã bị thủng từ Du Long và địch đang hăm dọa căn cứ nên Trung tướng Nghi dự tính có thể sẽ dời Bộ Tư lệnh Tiền phương về Cà Ná để lập tuyến phòng thủ mới tại đó, nếu địch chọc thủng được phòng tuyến bảo vệ phi trường. Dự trù sẽ đi khỏi phi trường từ cổng số 1 và đi cùng Trung đoàn 5.
**Khoảng 10,30 giờ sáng, mãi đến khi các toán quân địch sắp tiến vào Bộ Tư lệnh Tiền phương thì Trung tướng Nghi mới ra lịnh rời căn cứ bằng đường bộ, từng đơn vị theo đơn vị trưởng mình rút theo hướng Nam về Cá Ná để lập phòng tuyến mới. Trung tướng Nghi, Đại tá Lương, Ông Lewis chuyên viên Tòa Đại sứ Mỹ cùng các quân nhân của Bộ Tư lệnh Tiền phương, Sư đoàn 6 Không quân, Lữ đoàn 2 Dù cùng các toán quân lẻ tẻ của Liên đoàn 3I Biệt động quân lối 400 người rời căn cứ tiến ra cổng số 1 về hướng Nam.
Đoàn quân di chuyển trật tự đến cổng số 1 khoảng 11 giờ, để cùng đi với Trung đoàn 5 về Cà Ná như dự định. Tại đây, vì không liên lạc được với Chuẩn tướng Nhựt, nên Trung tướng Nghi quyết định theo đường rào phía Nam, di chuyển dọc theo đường từ Tour Cham đến ngã ba An Phước. Đoàn quân an toàn đến Thôn Mỹ Đức lúc 12 giờ trưa. Trên đường rút khỏi Ba Tháp, Tiểu đoàn 3 Dù lần xuống bãi biển, tẻ sâu về hướng Nam và không còn
thấy Giang đoàn 27, chiến hạm WHEC cùng bất cứ chiếc tàu nào khác tại cảng Ninh Chữ. Đến một bãi cát xa hơn về hướng Nam của thị xã, đơn vị Dù nầy, gặp và kháng cự với một toán quân địch khác đến bao vây. Sau khi thoát vòng vây với ít nhiều tổn thất, Tiểu đoàn 3 Dù được một đoàn trực thăng, bốc về an toàn. (Đoàn trực thăng cấp cứu nầy, dự trù đón Bộ tư lệnh tiền phương, nhưng vì Trung tướng Nghi không thuận cho đáp vì lý do an toàn bãi đáp, nên trên đường trở về, mới bốc được toán Dù trên.). Tiểu đoàn 11 Dù còn lại rút được qua sông, phối hợp với toán quân vừa thoát khỏi trận phục kích ở Thôn Phú Qúy về được an toàn. Liên đoàn 31 Biệt động quân và Sư đoàn 2 Bộ binh với một ít đơn vị cố gắng di chuyển về Nam lại chịu thêm tổn thất trên đường rút lui. Đại tá Lê Thương, Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh, trên đường rút về An Phước nơi có Trung đội Pháo binh đang trú đóng, cũng gặp địch đã đóng làm nút chận tại đây rồi .
Tại phi trường, khi đoàn quân của Trung tướng Nghi di chuyển khá xa, thì Sư đoàn 325 VC phối họp với Sư đoàn 3 VC cùng Đoàn 968 tấn công và chiếm phi trường lúc 11,30 giờ trưa. Thiệt hại của Sư đoàn 6 không quân rất đáng kể vì mất toàn bộ kho bom đạn và các trang thiết bị phụ thuộc, với lối 10 phi cơ đủ loại không bay được. Tuy nhiên tổn thất hành quân tương đối là nhẹ: 1 A-37 rớt, 4 A-37 bị bắn về đáp an toàn, 2 trực thăng cháy, 1 phi cơ quan sát cùng khá nhiều trực thăng bị bắn nhưng về đáp được an toàn.
Hải quân ta chỉ có một số ít Giang thuyền bị chìm và một chiến hạm bị pháo.
Tại Thôn Mỹ Đức lúc khoảng 4 giờ chiều, Trung tướng Nghi được toán truyền tin của Đại tá Lương cho hay có 1 đoàn phi cơ xin xác nhận vị trí để xuống bốc. Lúc bấy giờ, với số gần 700 quân nhân và thân nhân nên khó bóc hết được, vả lại khi trực thăng đến, khó lòng mà giữ được trật tự, chắc chắn sẽ tạo hỗn loạn làm lộ mục tiêu giúp địch đến vây bắt. Vì vậy Trung tướng Nghi quyết định vì sự an toàn cho đồng đội, từng khổ cực chiến đấu với nhau mà không vì an toàn cho bản thân, nên ra lịnh toán cứu cấp đó không nên đáp, và chỉ nên đến ngày hôm sau, tại một địa điểm xa hơn về phía Nam.
Lúc 9 giờ tối, dưới sự hướng dẫn của Đại tá Lương, đoàn người bắt đầu rời Thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì bị phục kích. Trung tướng Nghi, Ông Lewis và tôi cùng một số quân nhân bị địch bắt. Chúng dẫn 3 chúng tôi ngược về Nha Trang sáng hôm sau. Trên đường tôi thấy rất nhiều xe địch nằm la liệt dọc hai bên đường, và từng nhóm đồng bào ngơ ngác, thất thiểu, lang thang đi ngược trở về. Tôi bỗng cảm nhận rất có tội đối với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được thành. Ở tại Đồn điền Yersin 2 ngày, chúng đưa chúng tôi ra Đà Nẵng bằng đường bộ. Tại đây, ngày 22/4/1975 chúng đem phi cơ chở chúng tôi ra Bắc, giam tại nhà giam Sơn Tây nơi từng giam giữ tù binh Mỹ. Chúng thả Ông Lewis vào tháng 8.1975, Trung tướng Nghi vào năm 1988 và tôi năm 1992.
IV. KẾT LUẬN
Sư đoàn 6 Không quân rời Pleiku ngày 16/3/1975 đến tạm trú tại Nha Trang. Ngày 22.3.1975 được lịnh đến căn cứ Phan Rang đồn trú. Chưa kịp thích nghi với sanh hoạt địa phương thì phải đương đầu với nhiều nỗi ưu lự kể từ lúc Nha Trang rút bỏ. Liên tiếp trong 16 ngày, toàn thể quân nhân Sư doăn 6 Không quân đã khắc phục bao khó khăn, trong một hoàn cảnh khác thường của một căn cứ Không quân bỗng trở thành một tiền đồn, vừa thi hành các phi vụ, vừa tham gia chiến đấu như bộ binh.
**Địa phương quân và Nghĩa quân Phan Rang có những đơn vị hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đáng khen, như việc bảo vệ Giáo sứ Hồ Diêm được an toàn là một thí dụ.
**Sư đoàn 2 Bộ binh với 2 Trung đoàn 4 và 5, tuy có một số lớn quân nhân hãy còn hoang mang, dao động vì lo lắng cho thân nhân còn kẹt lại khi đơn vị vội vã rút lui, nhưng cũng đã cố gắng tham dự.
**Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu đoàn 31, 36 và 52, chứng minh được tinh thần của người chiến sĩ mũ nâu, mặc dầu sau những trận đánh ác liệt tại Chơn Thành được điều động thẳng ra Phan Rang, không có một ngày nghỉ dưỡng quân, cũng như không được bổ sung quân số, tái trang bị đầy đủ.
**Lữ đoàn 2 Dù với các Tiểu đoàn 3, 7 và 11 cùng Tiểu đoàn 5 của Lữ đoàn 3 Dù đã chiến đấu rất tích cực và tạo được sự tin tưởng của nhiều người, quả xứng đáng là những đơn vị thiện chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Với những đơn vị như trên cộng thêm Phan Rang có vị trí rất thuận lợi cho việc phòng thủ, đáng lý Phan Rang không thể bị chiếm quá nhanh như thế được. Chiếm được Phan Rang, địch mới có lý do tung ra kế hoạch Tổng công kích, mà đáng lý ra theo dự trù, chúng chỉ có thể tung ra vào năm 1976 thay vì năm 1975. Tướng VC Văn Tiến Dũng, sau chiến thắng, đê tuyên bố tại Cuba: " Khi chiếm được Phan Rang thì coi như chiếm được miền Nam." Lời tuyên bố nầy chứng minh được việc chọn phòng tuyến Phan Rang là một quyết định đứng đắn của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Việc mất Phan Rang quả đúng là một tổn thất quá lớn cho công cuộc bảo vệ Miền Nam vậy.
Đã hơn 25 năm, chắc chắn tôi không thể còn nhớ đầy đủ các diễn biến liên quan đến việc phòng thủ Phan Rang. Tôi đã tham khảo một vài tài liệu và tiếp xúc một vài thân hữu. Cộng với ký ức, tôi đã cố gắng ghi lại trong bài viết nầy mọi hiểu biết có thể có và đương nhiên chắc phải có nhiều thiếu sót.
Viết xong ngày 15 tháng 1 năm 2002
Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang
Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân

Tuesday, April 8, 2014

Những Hồn Hoang Nơi Pháp Trường Cát!


Sau khi TQLC Cao Xuân Huy “lên tàu”, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh yêu cầu Phan Văn Đuông và tôi lên Hồn Việt T.V để anh phỏng vấn về tác giả và tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng”, trước ống kính, tôi nói với anh Trinh rằng Cao Xuân Huy viết đúng nhưng chưa đủ, phải thêm vài cuốn Gẫy Súng nữa mới thấy hết cái bi thương và lý do gây nên thảm cảnh đó.
 


Trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh của nhà văn Huy Phương trên SBTN nói chuyện về việc đồng bào thôn An Dương, Thuận An, Huế, đã cải táng nấm mồ tập thể 132 quân nhân tử trận trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3.1975, nhân dịp này ông có phỏng vấn tôi một số chi tiết liên quan đến “biến cố” Thuận An
.

Buổi nói chuyện của ông đã được phổ biến trên TV khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và gây xúc động cho nhiều người, nhất là những gia đình có chồng, con, anh, em, còn mất tích trên bãi cát này, nên quý vị đó đã gọi điện thoại cho tôi yêu cầu nói rõ thêm về cuộc rút quân của Lữ Đoàn 147/TQLC.

Thời gian của mỗi buổi nói chuyện chỉ trong vòng 20 phút trong khi muốn hiểu rõ đầu đuôi thì phải cần cả ngày. Quý khán thính giả đã xem chương trình của anh Huy Phương như các anh Tô Đức Hạnh (Alhambra, anh của cố Đ/Uy Tô Thanh Chiêu), Phan Hữu Hạnh (Witchita), Nguyễn Công Thân (AZ), Lữ Minh Đức (San Francisco), Đỗ Văn Minh (Houston TX) và nhất là chị Hồng Bạch (San Jose) đã khóc ngất khi hỏi tin tức về em trai là Tr/ Sĩ TQLC Lâm Phi Hạnh mất tích tại Thuận An. Vì vậy tôi xin được nói rõ THÊM về những điều tôi đã nghe và thấy trong nhiệm vụ của một người trực trung tâm hành quân SĐ/TQLC tại Non Nước, ĐN và tôi tham khảo thêm bài viết của các Mũ Xanh khác. Ngoài nhà văn Cao Xuân Huy với “Tháng Ba Gẫy Súng” đã in sách và xuất bản, còn thì mỗi người lính TQLC bị đẩy ra bãi cát Thuận An đều có “cây súng bị gẫy”, nhưng mới chỉ phổ biến trong nội bộ TQLC mà thôi, đó là:

_ Tháng Ba Buồn Hiu của Tiểu Cần, âm thoại viên của Tư Lệnh/TQLC. (1).

_ Những Người Lính Bị Bỏ Rơi của bs TQLC Pạm Vũ Bằng (2)

_ Người Lính Sau Cùng Tuyến Sông Bồ củaTh/Úy Phan Văn Đuông (3)

_TĐ 7/TQLC Từ Cuộc Di Tản 23/3/75 của Th/tá Phạm Cang, TĐT/ TĐ7 (4).

_Ngày Tháng Không Quên của Tango Nguyễn Thành Trí, TLP/SĐTQLC. (5)

(1 và 2 đăng trong web TQLC. Còn 3,4,5 đăng trong Tuyển Tập II TQLC, khi trích dẫn tôi sẽ dùng những số này để rút gọn thay vì viết đầy đủ tên bài viết)

Chiến đấu là có thắng thua, mà phần quyết định thắng thua thường do khả năng chỉ huy và tài lãnh đạo của cấp chỉ huy. Viết về một chiến thắng thì quá dễ dàng. vui trong bụng và làm hài lòng những người tham dự, nhất là những cấp chỉ huy và lãnh đạo trận đánh đó. Nhưng rất dễ “lãnh đạn” khi viết về một chiến bại, dù cho là “Can Trường Trong Chiến Bại”. Viết về biến cố Thuận An thì lại càng khó. Nó không chỉ là chiến bại, mà là một tan hoang! Tan hoang không hoàn toàn do địch quân*, mà có phần trách nhiệm chỉ huy cao cấp của cuộc rút quân đó! Lại càng khó khi những nhân vật chỉ huy cao cấp đó còn đây. Không khéo lại bị mang vạ là hỗn hào, sao dám phê bình thượng cấp?

Biết vậy nhưng tôi vẫn phải viết, viết để trả lời cho những người đã khóc, đang khóc và còn khóc mãi khi thân nhân của họ là những oan hồn* chưa tìm được nơi tạm trú, những hồn hoang vẫn còn lang thang trên pháp trường cát Thuận An vào những buổi hoàng hôn.

Biết vậy nhưng vẫn phải viết khi mà những người lãnh đạo cuộc chiến nay quay sang bưng bô cho kẻ thù như ông thủ C-K, như cụ thủ T-K chào dạy thuộc cấp xưa rằng dịch quân của họ cũng là người “iêu-lước”. Các cựu thủ KK thà cứ thủ như bình, không cần nói lời xin lỗi. Nhưng lại mở miệng ra làm ô nhiễm môi trường thì tôi đành phải cầm viết. Hơn nữa khi tôi ghi lại những dòng này là đã đọc các hồi ký của những người trách nhiệm ở bãi biển Thuận An, tôi đọc và tôi viết ở cái tuổi gấp đôi khi các ông KK mang sao trên cổ áo. Nếu tôi không ghi lại bây giờ mà để thêm vài năm nữa thì lại sinh lẩm cẩm, lẫn lộn giữa bạn và thù.

(* Khi nghe tin SĐ1/BB và TQLC đã rút thì Thiếu Tá Hoàng Trai, CHT trung tâm huấn luyện SĐ.1 tại Dạ Lê mới cho TTHL rút theo. Trước khi rút, ông còn dùng xe jeep chạy khắp thành phố Huế để nhìn lại “quê hương” một lần chót mà không hề hấn gì, chỉ gặp một vài trái pháo rơi vãi đó đây, áp lực địch không mạnh, tức là hậu quả thê thảm trong giai đoạn rút quân là do vị chỉ huy cao cấp và ban tham mưu không nắm vững tình hình hoặc bỏ “nhiệm sở”

Trong buổi nói chuyện trên SBTN, nhà văn Huy Phương hỏi tôi:

_Nhiệm vụ của Sư Đoàn TQLC tại vùng I.

_Lý do rút quân và diễn tiến cuộc rút quân. Những gì xẩy ra trên bãi biển Thuận An?

_Tổn thất như thế nào? Có bao nhiêu TQLC về được Đà Nẵng?

_Nếu có mặt của vị chỉ huy cao cấp (?) tại chỗ thì tình thế sẽ ra sao?

_Hoạt động của TQLC sau đó và những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Xin trả lời:

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào năm 1971, một cuộc chiến kỳ quái thí quân, rồi sau đó tới “Mùa Hè Đỏ Lửa”, tái chiếm Cổ Thành đã khiến hai binh chủng Nhẩy Dù và TQLC bị tiêu hao khá nặng. Tổng trừ bị là vậy, nhưng rồi sau đó thượng cấp biến TTB thành “binh chủng” ĐPQ và NQ của vùng I, đóng đồn giữ đất, cắm chốt, đào giao thông hào, trải quân từ bờ biển vào tận dãy Trường Sơn. Một trung đội trưởng còn biết sự cần thiết của lực lượng trừ bị, vậy mà giới lãnh đạo lại không biết điều đó sao!

Sau khi Ban Mê Thuột bị mất ngày 10/3075 thì ngày 13/3.75. “thượng cấp” mới giật mình tỉnh cơn mê, không có tổng trừ bị bèn vội vàng kéo Dù về Nam, và để trám vào chỗ trống đó là kéo LĐ 258 và LĐ 369/TQLC, đang giữ đất ở QT, Huế di chuyển vào Đà Nẵng, Thường Đức, thay thế Dù, và chỉ còn lại LĐ 147/TQLC phòng thủ tuyến sông Bồ và bảo vệ Huế. Lực lượng thay thế 2 Lữ Đoàn TQLC với 5 ngàn tay súng là Liên Đoàn 14/BĐQ với quân số 1400.

BMT bị mất, Dù về Nam, TQLC xuôi vào ĐN đã ảnh hưởng rất lớn đến các lực lượng chiến đấu ở QT, Huế, đấy là chưa nói đến áp lực địch gia tăng và dân chúng hoảng loạn bắt đầu di tản, thì việc phòng thủ Huế đã quá mong manh.

Lúc 14.30 giờ ngày 24/3/75, Tại căn cứ Hải Quân Thuận An, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương (QĐITP) Lâm Quang Thi họp với Tướng TL/SĐ1/BB. Đại Tá Hy TMT/QĐITP, Đại Tá Duệ tỉnh trưởng Thừa Thiên, Đại Tá Nguyễn Thành Trí, TLP/TQLC để bàn kế hoạch rút quân. Kế hoạch đã được trình lên Trung Tướng TL/QĐI và được chấp thuận. Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày Đ/Tá Hy đi trực thăng đến trao công điện cầm tay cho Đ/tá Nguyễn Thành Trí lệnh rút quân và Đ/Tá Trí ra lệnh cho các đơn vị TQLC thi hành vào lúc 18 giờ ngày 24/3/75.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không đề cập tới lệnh rút quân của QĐITP đã được soạn thảo vội vàng như thế nào và tôi cũng không đề cập tới việc rút quân của các đơn vị bạn như SĐIBB, BĐQ, TG v.v.. mà chỉ đề cập tới lệnh rút quân ban cho LĐ.147/TQLC.

Đ/Tá Nguyễn Thành Trí Tư TLP/TQLC kiêm Tư Lệnh lực lượng Tây-Bắc, mà nỗ lực chính là LĐ.147, đã viết trong “Những Ngày Tháng Không Quên” như sau:

_ “Tướng Thi quyết định đề nghị kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Tướng Trưởng như sau: Lực lượng Tây Bắc Huế do tôi chỉ huy sẽ rút về Thuận An, sau đó đi chuyển về cửa Tư Hiền. Tại đây, Hải Quân và Công Binh QĐI sẽ phối hợp thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh chóng và dễ dàng. SĐ.1BB do Tướng Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục quốc lộ 1 và sẽ tập trung về điểm vượt sông, song song với cánh quân TQLC. (5 trang 538 ).

_ “Sáng sớm ngày 25 tháng 3, LĐ147/TQLC báo cáo đã hoàn tất việc tập trung bên này bờ biển, cách Thuận An 9 cây số về phía Đông Nam (5 trg 539). Khoảng 1030 giờ, qua tần số không lực, LĐ147/TQLC nhận được lệnh của QĐ1TP hãy chuẩn bị tại chỗ để tàu vào bốc, kế hoạch di chuyển về cửa Tư Hiền bị hủy bỏ vì không thể thực hiện được cầu phao do tình trạng an ninh và thủy triều bất lợi. (5 trg 540).

Tư lệnh lực lượng Tây Bắc ra lệnh rút lúc 18 giờ ngày 24/3 mà sáng sớm ngày 25/3, chỉ trong vòng hơn một đêm mà LĐ147/TQLC đã di chuyển từ tuyến sông Bồ (TĐ5) và sẵn sàng tại điểm tập trung, phía Nam cửa Thuận An 9 km, tiếp tục đi chuyển về cửa Tư Hiền để vào Đà Nẵng là một cuộc hành quân lui binh rất khó khăn nhưng LĐ147 đã hoàn tất đúng với lệnh của QĐITP. Tuy nhiên đến 10 giờ 30 thì kế hoạch thay đổi, vì không bắc được cầu phao qua cửa Tư Hiền* nên LĐ147TQLC dừng quân tại chỗ để tàu Hải Quân vào bốc.

(* cửa Thuận An và Tư Hiền rộng như một con sông lớn nối liền biển với các đầm nước trong đất liền, phòng thủ và vận chuyển tại cửa Thuận An là trách nhiệm của Duyên Đoàn 12 và tại cửa Tư Hiền là Duyên Đoàn 13, thuộc BTL Hải Quân vùng I Duyên Hải)
 

Rút quân bằng đường bờ biển vào Đả Nẵng qua cửa Tư Hiền thì yếu tố quyết định là phải có cầu phao tại đây, hay tối thiểu phải là các tàu há mồm để chuyện quân từ bờ này sang bờ kia. Tướng tiền phương đã ra lệnh cho HQ và CB thi hành, vậy mà chỉ trong một đêm đã báo cáo kết quả là không thực hiện được. Thượng cấp ra lệnh khi chưa cho thám sát địa thế, khi phương tiện chưa sẵn sàng, chưa nghiên cứu thủy triều, hay thuộc cấp (HQ&CB) không tuân lệnh hành quân? Điểm chết người là ở chỗ này đây.
 

 
Bãi biển từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền là một hòn đảo cát, Đông Tây Nam Bắc là nước, đã ra đến đây rồi thì đường rút quân vào ĐN chỉ có duy nhất vượt qua cầu phao tại cửa Tư Hiền. Nhưng bắc cầu phao đâu phải vẽ trên giấy? Kết quả là thế đấy!

Nhưng thôi, không có cầu phao thì QĐITP ra lệnh dừng quân tại chỗ để tàu HQ vào đón. Thật là tuyệt diệu vừa nhanh chóng, an toàn, vì dưới tay Quân Đoàn là cả một lực lượng Hải Quân hùng hậu đầy đủ tầu thuyền của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải, ông biết mọi đặc tính của vùng biển này như trên bàn tay. Nhưng rồi chuyện gì xẩy ra? Xin nghe Đ/Tá TL lực lượng Tây-Bắc nói:

“Khoảng 1300 giờ,(ngày 25.3), một hải vận hạm (LSM) đến bãi bốc, nhưng lại đậu cách xa bờ 200m, làm sao binh sĩ lội ra được trong tình trạng sóng to gió lớn lại còn phải đem theo thương binh và tử sĩ?Nếu có vài chiếc LCM để chuyển quân từ bờ ra tàu lớn thì mọi việc đã có thể giải quyết tốt đẹp, vì loại tàu LCM có thể vào sát bờ hơn. Thấy không thể giúp gì được nên chiếc LSM di chuyển đi nơi khác sau khi hứa sẽ gọi tàu LCU đến để bốc quân (5 trg 540).
 

Từ khi ra lệnh dừng quân đến khi tàu đến phải mất gần 3 tiếng đồng hồ (1030-1300)? Đến rồi lại bỏ đi! Thiếu Tá Phạm Cang TĐT/TĐ7/TQLC nói về trường hợp tàu HQ vào đón (kể trên) như sau:

“Tàu đậu cách bờ 200m lại thêm sóng to gió lớn là một trở ngại vô cùng khó khăn. Từng toán 20 TQLC nắm tay nhau lội ra tàu nhưng bị sóng đánh dạt vào bờ trông thật thê thảm! Các đơn vị cố gắng nhiều lần nhưng đến 5 giờ chiều thì không một quân nhân nào ra đến tàu được. Đ/Tá LĐT gọi các tiểu đoàn trưởng đến họp (3,4,5,7,TĐ2PB) và ra lệnh phòng thủ tại chỗ để chờ xuống tàu theo kế hoạch Alfa” (4 trg 489).

Ngồi chờ tàu vào đón từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tàu đến rồi tàu lại đi vì sai kế hoạch, trong khi địch quân thì có 7 tiếng đồng hồ, quá dư thời gian để bám sát đuổi theo, trận chiến xảy ra, địch đã núp sẵn trên các cao điểm, hướng đủ mọi loại súng vào quân ta. Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam TĐP/TĐ.4 và Đại Úy Tô Thanh Chiêu ĐĐT/ĐĐ.3 tử thương vào lúc này. Kế hoạch Alfa như thế nào và đã được thực hiện ra sao? Th/Tá Cang viết tiếp:

“Tối hôm đó (25/3) LĐ đóng quân đợi thi hành kế hoạch Alfa tức là xuống tàu Hải Quân vào lúc 12 giờ đêm, theo thứ tự BCH/LĐ, TĐ 2PB rồi tới các TĐ 4,3,5 và 7. Thế rồi 12 giờ đêm đã tới, 1 giờ đã qua rồi 3 giờ sáng, các con tàu vẫn không vào bờ! Xa xa ngoài khơi, ánh đèn các con tàu vẫn còn đó, nhưng mọi vật hình như bất động! Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau (26/3) mới có một chiếc LCM vào đón thương binh và BCH/LĐ.” (4 trg 490).
 


 
Hành quân lui binh khó khăn gấp trăm lần hành quân tấn công, vậy mà LĐ147/TQLC với các Tiểu Đoàn 3,4,5,7 và TĐ2PB đã thi hành đúng theo lệnh, dừng quân trên đảo cát để tàu vào đón, nhưng chờ gần một ngày một đêm (10.30 sáng ngày 25/3 đến 8 giờ sáng ngày 26/3) vẫn không có con tàu nào, chúng vẫn bất động trước mặt. Nhưng địch quân nó có “bất động” như tàu không? Chúng không ngu mà đã thần tốc bám theo, mỗi khắc giá đáng ngàn vàng thì gần 24 giờ đồng hồ “ta đứng, địch đuổi” chuyện gì sẽ xẩy ra? Địch đã dư thừa thời gian đuổi theo và tăng cường quân số quyết tấn công LĐ.147, nên khi chiếc LCM vào đón thương binh là chúng tấn công bằng hỏa tiễn và 12.7, Đ/Tá LĐT bị thương Th/Tá Phạm Cang chỉ huy LĐ thay thế Đ/Tá Nguyễn Thế Lương. Nếu đêm 25/3, kế hoạch Alfa được thi hành, địch chưa đuổi kịp thì không xảy ra đại họa. Đã quá trễ khi địch đã sẵn sàng hướng súng vào tàu, vào quân ta như những tấm bia trên thềm bắn. Th/Tá Phạm Cang XLTV/LĐ viết:
“Nếu đêm qua kế hoạch Alfa được thi hành thì ít nhất một nửa lữ đoàn có thể thoát khỏi khu vực này để lên tàu. Nhưng không rõ vì lý do gì không thực hiện được. Khoảng 10 giờ sáng HQ cho biết sẽ có LCM vào đón. Tôi ra lệnh cho TĐ 4 và 3 xuống tàu theo như đã định, nhưng khi LCM vừa cập bến thì quân nhân các đơn vị bạn cùng dân chúng cũng nhanh chân tranh nhau xuống tàu gây nên cảnh hỗn loạn. Vì số lượng người quá đông nên tàu mắc cạn. Vị chỉ huy tàu yêu cầu ai không phải TQLC thì xuống bớt tàu mới có thể ra khơi được. Nhưng ai là người chịu xuống khi biết rằng đây là cái phao cuối cùng. Tuyệt vọng! Tự sát và VC tác xạ vào gây thêm cảnh chết chóc cho những ngươi xung quanh” (4 trang 491).

Lời của Th/Tá Phạm Cang trên đây cũng như Tr/Úy Cao Xuân Huy trong “Tháng Ba Gẫy Súng” đã nói giống nhau về con tàu vào đón quân trễ 24 giờ so với lệnh hành quân của QĐITP (10 giờ 30 ngày 25/3 đến10 giờ ngày 26/3) khiến nó trở thành cái quan tài sắt chứa bao nhiêu xác người, có khác chăng là chi tiết giữa cái nhìn của ĐĐT và TĐT. Đó là hậu quả mà người dân thôn An Dương, Thuận An, Thừa Thiên Huế vừa cải táng nấm mồ tập thể của 132 tử sĩ VNCH, tuy không xác định được danh tánh nhưng phần lớn là TQLC. Còn bao nhiêu lần 132 xác nữa vẫn còn nằm rải rác khắp đó đây dưới cát hoặc thủy triều kéo ra biển khơi?
 


Từ 10 giờ sáng, con tàu đến trễ 24 tiếng đã mắc cạn biến thành “con tàu ma” thì chẳng còn “ma” nào vào đón LĐ.147 nữa. Họ phải làm gì đây? Trong cơn nắng hè giữa bãi cát, cả lữ đoàn đang chết khát giữa biển nước mênh mông. Đến 2 giờ chiều Tướng Lâm Quang Thi bay trực thăng ngoài biển khơi gọi máy hỏi quân số dưới đất còn bao nhiêu, Th/Tá Cang trả lời:

_“Ngoài 5 Tiểu Đoàn TQLC, còn có các đơn vị bạn đi theo, tổng số khoảng 3000”.

Vị tướng tiền phương hứa sẽ có tàu lớn (?) vào đón và rồi ông bay đi và im lặng vô tuyến. Đến 4 giờ chiều, tức 2 giờ sau lời ông tướng hứa thì Th/Tá Phạm Cang XLTX/LĐ nhận được lệnh từ TLP/TQLC rằng không còn tàu nào nữa! Đ/tá ghi lại (5 trg 541) như sau:

“Chiều đã xuống, BCH nhẹ SĐ đã gọi bất cứ hệ thống vô tuyến nào có thể xen vào để xin tiếp tục gửi tàu đến bãi bốc, nhưng mọi trả lời nhận được đều bi quan và tuyệt vọng.”
 

Kể từ 4 giờ chiều ngày 26/3, cả LĐ.147/TQLC coi như đã bị đưa ra pháp trường cát Thuận An. Trước mặt là biển Đông, sau lưng là đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, phía Bắc là cửa Thuận An và phá Tam Giang, Nam là cửa Tư Hiền, giữa bãi cát mênh mông không nơi che dấu thì có thể làm gì được đây?
 

 
Đã 6 giờ chiều, những người lính TQLC phải quyết định thật nhanh, Th/Tá Phạm Cang cho họp các tiểu đoàn trưởng để đi đến một quyết định: “Tiếp tục đánh và đi về phía Nam”, đi về cửa Tư Hiền dù biết rằng không có cầu phao, nhưng hy vọng vào cái cầu bằng “bọt nước” tức là hy vọng vào Duyên Đoàn 13 thuộc BTL/HQ vùng I Duyên Hải còn trấn giữ ở đây. Nhưng tất cả đúng là “bọt nước”, không tầu, không cầu, không bạn, hết đạn, hết lương thực, hết nước, chỉ còn súng địch thì không tử trận cũng tự sát, và bị bắt! Còn ai thoátđược?

Trong một bài viết của vị Tướng Tư Lệnh Tiền Phương (TL/TP), ông đã nói rằng “đa số TQLC đã về tới Đà Nẵng”. Xin thưa, chỉ duy nhất một LCM vào đón thương binh lúc 8 giờ sáng ngày 26/3, nhưng bị VC bắn nên vội rút ra! Bác Sĩ Phạm Vũ Bằng là người được lệnh ra đón thương binh đã kể lại trong bài viết “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” nói rõ con số, bài này đã gửi tới cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi TL/TP, có đoạn như sau:

_ “Vào lúc 2 giờ chiều ngày 26/3, thì một chiếc LCM từ từ cập bến, khi bửng tàu mở ra, tôi rất mừng vì thấy màu áo rằn ri quen thuộc, đi đầu là mấy anh em khiêng xác của 3 tử sĩ, xác họ được gói kỹ trong những chiếc poncho, một trong 3 xác này là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam TĐP/TĐ.4/TQLC, sau đó là Đại Tá Nguyễn Thế Lương LĐT/LĐ 147, ông bị thương ở chân, mặc dù được các quân y tá dìu xuống cầu tàu nhưng ông di chuyển rất khó khăn và đau đớn. Theo sau LĐT là bác sĩ Rậu, bác sĩ Khoa và toán y tá cùng khoảng 100 thương binh. Cuối cùng là khoảng hai trăm quân nhân thuộc các tiểu đoàn TQLC hiện đang bị kẹt lại tại bãi biển Thuận An. Tôi nhanh chóng phân loại các thương binh rồi ra lệnh mang họ lên đoàn xe tải thương để về căn cứ Non Nước.”

Trên đây là ghi lại thật tóm tắt diễn biến xảy ra trên pháp trường cát Thuận An. Còn câu hỏi của nhà văn Huy Phương rằng nếu có sự chỉ huy của giới chức “có thẩm quyền” thì tình thế có thay đổi không? Vì tế nhị ông đã không hỏi đích danh “thẩm quyền” là ai, nhưng tôi có thể khẳng định “thảm họa” Thuận An không do cấp chỉ huy TQLC. Lữ đoàn trưởng bị thương đã có người thay thế và các Tiểu Đoàn Trưởng 3, 4, 5, 7, TĐ2PB vẫn luôn sát cánh cùng thuộc cấp. Xin nghe tâm sự của Cao Xuân Huy về tiểu đoàn trưởng Đinh Long Thành của mình:

-“Làm tiểu đoàn trưởng được mấy ngày thì chạy, chết mất tiểu đoàn phó*, chết mất một đại đội trưởng*, banh luôn một đại đội, một đại đội cũng đang lênh đênh trên biển ngoài sự kiểm soát của ông.. Vậy mà ông vẫn chạy ngược chạy xuôi, cố gắng tập trung, gom góp những thằng mang bảng tên màu đỏ tiểu đoàn 4 để hướng dẫn, để biết tin tức, để khích lệ tinh thần. Ông đã không lợi dụng tình trạng tan rã của tiểu đoàn để bỏ trốn một mình. Phải chi quân đội chỉ có tinh những cấp chỉ huy như Thiếu Tá Cang, Thiếu Tá Thành” (Tháng 3 Gẫy Súng, trg 93)

Không chỉ có tiểu đoàn trưởng, mà tiểu đoàn phó cũng thế. Phạm Cang nói về TĐP Lê Quang Liễn (có em ruột đi theo anh nhưng bị tử thương) như thế này:

_“Khi một tàu vào gần bờ để bốc thương binh tử sĩ, Th/Tá Liễn ôm xác người em trai bơi ra tàu vừa kịp lúc tàu kéo “bửng” lên nên cả hai anh em Liễn, người sống và người chết nằm gọn trong tàu. Vừa khi tàu lui ra thì Liễn nhẩy xuống biển, bơi lại vào bờ để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội và rồi bị bắt cùng đồng đội”.

Gặp Liễn tôi hỏi động cơ nào đã khiến anh hành động như thế thì Liễn nói:

_ “Không có gỉ ghê gớm lắm đâu anh, đơn giản là các tiểu đoàn trưởng Cang, Tiền, Sử, Thành còn trên bờ, lính tôi còn trên bờ, tôi phải trở lại để sống chết với anh em. Nếu bây giờ gặp hoàn cảnh như thế, tôi vẫn làm như thế”.

Những cán bộ nồng cốt của LĐ.147/TQLC là như thế đó nhưng không thể làm gì hơn, họ chỉ là Bộ Binh (nói chung) không có quyền điều động tàu thủy và tàu bay. Ngay cả Đại Tá TLP cũng phải than trời:

“Kêu cứn tàu vào bốc nhưng mọi trả lời đều tuyệt vọng”. (5,trg 541)

Nên nhớ rằng LĐ.147/TQLC trực thuộc quyền điều động của QĐITP, nằm ngoài thẩm quyển điều động của TL/TQLC. Khi biết LĐ.147 đang bị sa lầy, TL/TQLC đành phải ra mật lệnh cứu nguy. Đại Úy Nguyễn Quang Đan, chánh văn phòng của Thiếu TướngTL/SĐTQLC, gửi cho tôi một e-mail nguyên văn như sau:

“Thưa niên trưởng. Một buổi sáng tháng 3/75, tôi quên ngày rồi, tôi đọc lệnh hành quân từ Tướng Thi gửi xuống, tôi trình ngay lên Thiếu Tướng Tư Lệnh và xin ông đọc ngay. Đọc xong, ông nói:“đ..m..thế này thì chết lính tao rồi!”. Đó là cái lệnh mà Đại Tá Trí đã ghi lại lệnh rút lui của Tướng Thi. Sau đó Thiếu Tướng Tư Lệnh đi liên lạc với Đại Tá Trí tại TTHQ/SĐ. Ngày hôm sau, tôi lấy trực thăng bay ra Thuận An đưa tận tay lá thư của Thiếu Tướng TL cho Đ/Tá Lương, kèm theo lời dặn của TT/TL/SĐTQLC:“Tìm ra quốc lộ 1 mà đi”.

Nhưng tiếc thay, đã quá trễ để Đ/Tá Lương đổi hướng ra QL.1. Lệnh rút theo bờ biển và tàu vào đón là ưu điểm với điều kiện ắt có tàu và đủ điều kiện bắc cầu phao.Nếu không, lui binh theo đường bộ, dọc theo QL1 dù cho có gặp nhiều khó khăn, dẫu có gặp địch kháng cự, cũng không đến nỗi như đã bị dồn vào cửa tử Thuận An, vào thế bí như cái nhìn của Tướng TQLC và nhiều cấp chỉ huy khác nữa.

Tình thế chắc chắn khá hơn, tốt hơn nếu không muốn nói là không xẩy ra “pháp trường cát” nếu như TL/QĐITP ra lệnh được cho HQ cho tàu vào đón TQLC, lệnh cho KQ đưa máy bay lên yểm trợ hỏa lực ngăn chặn địch quân, cho trực thăng tải thương tiếp tế. Nhưng vì sao lại không có cái c.. gì cả thì TQLC chúng tôi không biết? Chuyện gì xẩy ra giữa Tướng TL/TP với Tướng TL/SĐIKQ, với Phó Đề Đốc TLHQ Vùng I Duyên Hải và cả với Tướng TL/QĐI, đây chính là những giới chức có thẩm quyền quyết định để KHÔNG xảy ra pháp trường cát.

Trong lệnh rút quân của QĐITP cho SĐ.1BB và LĐ.147/TQLC có nhấn mạnh:

“Kế hoạch hỏa lực ngăn chặn phải được áp dụng tối đa trong khi các đơn vị rút quân”.

Đây là một điểm son trong lệnh hành quân của Tướng TLTP, nhất là hành quân lui binh. Lui binh nên PB cũng lui, chỉ còn KQ và HQ là hữu hiệu nhất, mà cả 2 thành phần này chưa hề sứt mẻ. Nhưng “ou` est Robert đánh đu?” Họ đi đâu cả rồi?

Đà Nẵng có sân bay lớn, SĐIKQ có nhiều trực thăng, thẩm quyền nào điều động họ đi đâu cho đến nỗi cần trực thăng để tiếp tế đạn, nước uống, thực phẩm cho lính ở bãi cát Thuận An mà không có, Đại Úy Đan, chánh văn phòng và Tiểu Cầm, âm thoại viên của TL/TQLC đã phải dùng C&C của Tư Lệnh để tiếp tế vàì thùng lương khô xuống cho anh em. Tiểu Cần đã ghi lại trong bài “Tháng Ba Buồn Hiu”:

_ “Một số anh em thuộc TĐ/THD đang chất những thùng gạo sấy lên trực thăng C&C,, tôi phụ một tay để cố sắp xếp sao cho càng nhiều càng tốt, nhưng khoang tàu chỉ có sức chứa 10 thùng là tối đa. Vậy với chỉ một chiếc như thế này thì chở không được bao nhiêu, và phải bao nhiêu chuyến trong lúc hơn 3000 người đang “bụng không, bãi cát trống”?Bay dọc theo bờ biển lên hướng Bắc, khi gần đến vị trí LĐ.147 thì phi công hỏi Đại Úy Đan kế hoạch tiếp tế những thùng gạo xấy này thì anh Đan cho lệnh đáp xuống bãi cát, anh em dưới đất phụ vào để giải tỏa rất nhanh cho trực thăng cất cánh làm chuyến khác. Qua chuyến thứ hai, theo tính toán của anh Đan và phi công thì đáp và cất cánh tốn nhiều thời gian nên các anh cho trực thăng bình phi cách mặt đất chừng 10m rồi chúng tôi xô các thùng gạo sấy xuống, làm cách này rất nhanh, nhưng sau đó thì được biết một vài anh em bị thương vì thùng gạo rơi trúng người!

Cao Xuân Huy đã ghi lại trường hợp tiết tế này trong Tháng Ba Gẫy Súng:

_ “Một chiếc trực thăng từ phía biển bay vào, quần trên đầu chúng tôi rồi ném chừng một chục bao cát đựng gạo xấy và thịt hộp. Một sự hỗn loạn xảy ra …Có một bao rơi trúng đầu làm bất tỉnh một người lính .. (T3GS, trg 75)

Hải Quân thì có đủ mọi tàu lớn nhỏ và các cấp thừa hành cũng sẵn sàng hy sinh cộng khổ cùng TQLC, nhưng họ có nhận được lệnh hay không, lệnh ra có đúng lúc đúng chỗ hay không?. Đón quân trên bờ mà cho tàu lớn đậu xa bờ 200 thì đón ai? Đón các “thằng chỏng*” chăng? Trong khi nếu điều động đúng lúc, đúng chỗ, đúng loại là tàu “há mồm” thì hoàn tất kế hoạch chính xác nhanh chóng an toàn và thành công. (* thằng chỏng tức người chết trôi).

Hải Quân và Quân Vận vùng I Duyên Hải có tàu há mồm không? Th/tá Phạm Cang viết:

“Khoảng 10 sáng 25/3, trên tần số Không-Lục, tôi nhận ra tiếng người bạn cùng khóa, Thiêu tá Trần Văn Thao, anh chỉ huy đoàn tàu quân vận (5 chiếc LCM) từ Đà Nẵng ra Thuận An để đón BĐQ, nhưng không thể nào liên lạc được. Anh hỏi tôi có thấy anh em mũ nâu không, nhìn quanh tôi chỉ thấy vài anh thôi, tôi cho Thao biết. Thao nói với Cang: “tôi sẽ đưa các bạn vào Đà Nẵng, chuẩn bị và đánh dấu bãi bốc” (4 trg 487).

Đúng lúc đó thì Cang nhận lệnh di chuyển về phía Nam đề gặp Long Mỹ, tức Đại Tá Nguyến Thế Lương LĐT/LĐ.147, để vào ĐN bằng tàu 801, nên Cang cám ơn Thao, còn Thao mang 5 tàu LCM đi đâu thì không ai biết, trong khi đó thì LĐ.147 ngồi chờ mãi đến 13 giờ mới có LSM đến, lại đậu xa bờ, không cứu được ai. TĐ.7 đã mất dịp được LCM của Th/tá Thao cứu. Điều này chứng tỏ lệnh cho tàu của HQ vào đón TQLC là một mớ “bòng bong”, bòng bong đến nỗi không ai hiểu nổi WWWWW?

Còn câu hỏi về hoạt động của TQLC vào những ngày cuối của cuộc chiến thì tôi xin trả lời thật vắn tắt như sau:

Lúc 7 giờ sáng ngày 29/3/75, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng với Đại Tá Nguyễn Thành Trí TLP/TQLC và quân nhân các cấp bơi ra tàu HQ tại bãi biển thuộc căn cứ (sân bay) Non Nước, Đà Nẵng. Về đến Vũng Tàu thì đóng quân trong căn cứ cũ của quân đội Úc sát ngay bãi biển sau Vũng Tàu, đồng thời TL/TQLC lại kiêm Quân Trấn Trưởng Vũng Tàu, kiểm soát mọi tàu thuyền. Phải nói thẳng rằng không có một đơn vị nào lại có điều kiện thuận lợi để “ra đi” như TQLC, nếu muốn.

Nhưng, trong khi giới chức cao cấp tại Saigon nhao nhao tìm trốn thì TQLC lại tiếp tục lên đường chiến đấu, đánh từ Long Khánh, Long Thành, Long Bình và cứ điểm tử thủ cuối cùng là Căn Cứ Sóng Thần Thủ Đức và rồi phải gẫy súng theo lệnh TT! Và rồi từ Tư Lệnh Phó, các Lữ Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Trưởng Phòng, CHT/TTHL, các Đại Đội Trưởng đều vào tù. Các Tr/Tá Nguyễn Văn Nhiều, Nguyễn Đằng Tống, Huỳnh Văn Lượm, Th/tá Trần Văn Hợp v.v.. đã “tử nạn” trong tù.

Thưa quý đọc giả.

Cực chẳng đã tôi mới phải cố gắng ghi lại ngắn gọn diễn tiến biến cố “Thuận An” để trả lời cho những vị có chồng, con, anh, em, “mất tích” tại đây vào những ngày cuối tháng 3/75. Mỗi lần nghĩ đến là đầu tôi bốc khói, nếu không kiềm chế để viết thì tôi dễ xúc phạm đến các thượng cấp có trách nhiệm về mạng sống của những nấm mồ như nấm mồ 132 bộ xương mà đồng bào thôn An Dương, Thuận An đã cải táng và vào thời điểm này (tháng 1/2011) các ân nhân ấy đang chuẩn bị lập Trai Đàn Chẩn Tế.

Dẫu biết rằng “thời thế thế thời phải thế”, không xoay đổi được vận nước, nhưng nếu như quý thượng cấp có trách nhiệm điều quân khiển tướng làm việc như những người lính chúng tôi, cùng lính chúng tôi chiến đấu, dẫu có thua, thì đâu xẩy ra những nấm mồ tập thể 132 bộ xương và còn bao nhiêu nữa đang nằm trong cát, dưới đáy biển Thuận An và khắp mọi miền đất nước!

Thưa quý vị có thân nhân nằm lại Thuận An cũng như tôi có anh em nằm lại đó mà chưa tìm ra tung tích thì hãy hãnh diện thay vì thương tiếc. Anh em họ sống chiến đấu bên nhau thì khi chết cũng nằm bên nhau, chung một nấm mồ tập thể ngay tại nơi họ đã chiến đấu, chắc những anh linh đó cũng chẳng muốn xa lìa đồng đội để về nằm riêng lẻ một mình. Xin nhớ đến các anh linh đã hy sinh cho chúng ta được sống, một lời cầu nguyện chung.

Nếu ai còn nhớ đến các anh linh tử sĩ thì hãy nhớ đến họ bằng câu kinh tiếng kệ, cây nhang, bó hoa, tùy lòng đóng góp cho Trai Đàn Chẩn Tế*. Hãy tin tưởng rằng không ai trong chúng ta, con dân VNCH, dám tìm danh lợi trên xác chết. Các anh sống khôn khi cầm súng chiến đấu thì thác cũng thiêng. Xin các anh phù hộ cho những người có tấm lòng, dù ở hải ngoại hay tại thôn An Dương, Thuận An, Huế.

(*TQLCVN tạm thời đã đóng góp 2 ngàn mỹ kim đến ban tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế Những Anh Hùng Tử Sĩ VNCH)

Tô Văn Cấp

Sunday, April 6, 2014

Phi Vụ Trả Đũa Phan Rang


Tháng tư đen 1975. Thoáng mà đã gần bốn thập niên trôi qua ! Từ tháng 3 năm 75 , cộng quân mở rộng chiến tranh. Ngày 13 tháng 3 Ban Mê Thuột thất thủ, kéo theo Quảng Trị và Huế mất ngày 26 tháng 3, sau đó Đà nẵng , ngày 29 tháng 3 rồi đến Nha Trang lọt vào tay CS ngày 1 tháng tư. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, tuyến đầu Phan Rang thất thủ, phần lớn phi cơ A-37 đã được bay về đồn trú tại phi trường Tân Sơn Nhất. Các diễn biến ấy như báo trước sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà khi mà người đồng minh lâu đời đã trở mặt quay lưng. . .

Phi Vụ Trả Đũa Phan Rang
Tạ Thượng Tứ



alt

Buổi chiều ngày 28 tháng 4, như thường lệ sau khi thi hành xong phi vụ hành quân, chúng tôi phóng ra cổng dùng cơm chiều, sau đó trở vào phòng trực hành quân để túc trực đêm. Bốn người chúng tôi: Thi, Chấn, Nhân và tôi đèo nhau trên 2 chiếc xe Lam, vừa vào đến cổng bổng nghe tiếng gầm thét của phản lực cơ đang oanh kích. Một vài cụm khói đen bốc lên từ nơi bến đậu phi cơ vận tải. Chiếc phi cơ A-37 cuối cùng vừa thả bom xong đang vội vả kéo lên và đuổi theo đồng bọn đang lấy hướng Đông Bắc. Tôi nghĩ thầm: “nếu giờ nầy mà các cánh gió siêu thanh phóng lên thì tụi nầy chắc là sẽ nguy to”. . . nhưng chờ đợi mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, thế là cả bọn giặc đã thoát nạn.
Chúng tôi phóng nhanh vào phòng hành quân để tìm hiểu xem việc gì đang xảy ra, phi cơ xuất xứ từ đâu? phi đoàn nào? Loại trừ phi cơ thuộc KĐ92CT của chúng tôi, thì chỉ còn có phi đoàn 532 Gấu Đen và các phi đoàn 520 Thần Báo, 526 Quỷ Vương và 546 Thiên Sứ đang trú đóng ở Bình Thủy ( Trà Nóc).
Sau khi liên lạc với Phòng Hành Quân Chiến Cuộc SĐ4KQ thì họ xác định là không có một phi tuần A-37 nào cất cánh. Như vậy thì 5 phi cơ A-37 nầy xuất phát từ đâu? Không thể cất cánh từ Phù Cát hay Đà Nẵng (vì quá xa không đủ nhin liệu để đi và về). Chắc chắn là xuất phát từ phi trường Phan Rang. . . . . .
(Mãi sau nầy, qua các báo chí thông tin của CS ta được biết 5 phi cơ đó thuộc Phi Đội Quyết Thắng mà biên đội trưởng do tên Nguyễn Văn Lục (bay số 3) chỉ huy toàn bộ, Nguyễn Thành Trung chỉ có nhiệm vụ bay dẫn đường.
- Số 1: Nguyễn Thành Trung
- Sồ 2: Từ Để (con trai của Từ Giấy)
- Số 3: Nguyễn Văn Lục (chỉ huy)
- Số 4: Mai Vượng (chết tháng 7 năm 1975 trong 1 phi vụ huấn luyện) và tr/úy Trần văn Ơn (phi công KQVNCH).
- Số 5: Hán Văn Quảng

*****
Buổi tối, chúng tôi đang ngồi uống càphê trong phòng trực hành quân thì Đại tá Lê Văn Thảo (KĐT/KĐ92CTKQ) bước vào. Ông gọi:
- Thi, Chấn, Tứ và Liễn vào văn phòng gặp tôi.
Chúng tôi vào văn phòng, Đại tá Thảo trao cho anh Thi bản phi lệnh hành quân và ông nói ngắn gọn:
- 5 phi cơ A-37 oanh kích buổi chiều là xuất phát từ phi trường Phan Rang. Trung tướng Tư Lệnh ra lệnh cho Không Đoàn 92 chúng ta thi hành 1 phi vụ trả đủa đánh vào phi trường Phan Rang đêm nay: phi cơ mang bom nổ sẽ đánh vào bải đậu phi cơ và phi đạo còn phi cơ mang CBU-55 sẽ đánh vào Bộ Chỉ Huy của chúng (nghi ngờ là đang đóng ở 2 “trailers” cuối phi đạo. Phi trường Phan Rang giờ đây là nằm trong tay địch, hoả lực và phòng không của địch ta không rõ, do đó các anh phải rất là cẩn thận và phải thích nghi trong mọi tình huống, chủ yếu là an toàn tối đa.
Khi ông ra khỏi phòng họp, anh Thi bảo:
- Chấn mầy đi lead
- Liễn bay số 2
- Tao bay số 3
- Tứ bay số 4
Sau đó Th/tá Chấn thuyết trình sơ lược phi vụ:
- Danh hiệu phi tuần là Phong Giao, check in và di chuyển tần số 1, cất cánh tần số 2, Paris tần số 3, làm việc tần số 6. Họp đoàn cất cánh từng 2 chiếc, tập họp hướng 060, bình phi 19,500 bộ, họp đoàn hành quân (tactical formation) trực chỉ thành phố Phan Rang, 1 và 3 tắt “beacon” chỉ để đèn wing tip “dim”, 2 và 4 tắt tất cả đèn. Đến Phan Rang, chúng ta sẽ bay dọc theo sông Danh, khi đến mục tiêu, phi tuần sẽ dãn ra ở họp đoàn chiến đấu (combat formation), lần lượt tấn công vào mục tiêu đã định. Giải toả hướng nam, lấy hướng 210 , tập họp cao độ 20,500 trở về căn cứ xuất phát.
Mọi người nhận rõ và lấy dù mũ, sẳn sàng xuất phát.
*****
Chuông điện thoại reo vang. . .
- Alo, th/tá Chấn nghe.
- Thưa Th/tá, tôi là tr/sĩ Cơ, phi đạo A-37, xin báo cáo Th/tá các phi cơ đã trang bị sẳn sàng.
- Cám ơn anh, chúng tôi sẽ ra phi cơ ngay.
Chiếc xe Van đưa chúng tôi ra phi cơ. Bốn phi cơ A-37 đen sì, dưới cánh nặng trĩu bom đạn. Tôi kiểm soát bom đạn dưới cánh, cánh gió, cánh đuôi, xong phóng nhanh vào phòng lái, nai nịt, đội mủ, gắn ống dưởng khí, ra dấu gắn APU (Auxiliary Power Unit) để mở máy. Cơ trưởng gắn APU vào, đẻn phi cụ trong phòng lái sáng rực. Cơ trưởng xoay ngón tay trỏ ra hiệu mở máy, tôi gật đầu hiểu ý. Tôi mở máy trái xong rồi máy phải. Hai máy đã khởi động tốt, tôi ra dấu hiệu rút APU.
Tôi check sơ các phi cụ, mở máy truyền tin lên. Một phút sau nghe trên tần số vô tuyến:
- Phong Giao, thử vô tuyến!
- 2!
- 3!
- 4!
- 1 nghe 2, 3, 4! 5 trên 5
- Đài Kiểm Soát Tân Sơn Nhất, Phong Giao gọi!
- Tân Sơn Nhất nghe Phong Giao!
- Tân Sơn Nhất, đây Phong Giao xin di chuyển và cất cánh 4 phi cơ A-37!
- Phong Giao, Tân Sơn Nhất nhận rõ, cho phép di chuyển và cất cánh đường bay 25, gió hướng . . . . mạnh . . . , liên lạc tần số 2 để cất cánh.
- Phong Giao nhận rõ!
Bốn phi cơ A-37 âm thầm di chuyển đến cuối phi đạo, Phong Giao 1 ra lệnh:
- Phong Giao, tần số 2
- 2!
- 3!
- 4!
- Phong Giao thử vô tuyến!
- 2!
- 3!
- 4!
- Đài Kiểm Soát, Phong Giao sẳn sàng cất cánh!
- Phong Giao, đây là Đài Kiểm Soát cho phép bạn cất cánh.
- Phong Giao hiểu!
Phi cơ 1 và 2 so hàng ngang cánh trên phi đạo, số 1 ra dấu cất cánh. Đẩy tay ga lên 95%, số 1 từ từ nhả thắng. Phi cơ lướt nhanh trên phi đạo. Tiếng gầm thét của các động cơ phản lực xé tan sự tĩnh mịch của đêm, ánh lửa phụt ra từ phía sau động cơ làm tăng thêm vẻ uy nghi của 4 con chim sắt khi rời mặt đất.
- Phong Giao 1, 3 và 4 “airborne”
- 1 nhận rõ. Phong Giao qua tần số 3
- 2!
- 3!
- 4!
- Phong Giao thử vô tuyến
- 2!
- 3!
- 4!
- 1 nghe rõ 2, 3, 4
- Đài Kiểm Báo Paris , phi tuần Phong Giao 4 phi cơ A-37 cất cánh từ Tân Sơn Nhất , phi vụ đặc biệt, xin cho biết thời tiết hướng Đông Bắc khoảng 120 dậm và xin radar theo dõi!
- Phong Giao, Paris hiểu. Thời tiết hướng Đông Bắc tốt, trần mây . . . . , tầm nhìn xa . . . . đã nhìn thấy bạn trên màn ảnh radar và sẽ theo dõi!
- Paris! Phong Giao cám ơn bạn!



alt

Phi tuần lấy hướng Đông Bắc, lấy thành phố Phan Rang làm chuẩn, sau đó sẽ bay dọc theo sông Danh, hướng Tây Tây Bắc để oanh kích phi trường Phan Rang theo những mục tiêu đã định.
Đã hơn 2 tuần kể từ sau ngày di tản khỏi Phan Rang, giờ đây mỗi người trong chúng tôi không ai tránh khỏi bùi ngùi khi trông thấy lại thành phồ củ, những con đường xưa thân yêu và quen thuộc. Trăng sáng vằng vặc thành phố Phan Rang trước mặt đèn đuốc vẫn sáng choang. Tôi nhìn đồng hồ: 12 giờ 30 phút. Đã sang một ngày mới: ngày 29 tháng 4. . .
Th/tá Chấn nghiêng cánh trái bay dọc theo sông Danh hướng về phi trường. Năm phút sau, dưới ánh trăng lờ mờ phi trường hiện rõ hai phi đạo song song (phi đạo 04-22), cuối đường bay là bãi đâu phi cơ A-37 (khoảng hơn 10 chiếc). Trong số phi cơ nầy chắc chắn là phải có 5 chiếc ban chiều đã oanh kích phi trường Tân Sơn Nhất. Trong đầu tôi chợt thoáng lên một niềm thù hận: mình sẽ cố gắng đập nát tất cả các phi cơ nầy.. . . Đang suy nghĩ vẫn vơ chợt nghe văng vẳng mệnh lệnh của Phong Giao 01:
- Phong Giao sang tần số 6.
- 2,3,4 nhận rõ!
- Phong Giao thử vô tuyến!
- 2!
- 3!
- 4!
- Phong Giao vào đội hình chiến đấu, 1 và 3 đánh vào Bộ Chỉ Huy, 2 đánh vào phi đạo, 4 đánh vào bãi đậu phi cơ,. Tắt đèn khi roll-in. Thả 1 pass interval. Tập họp ở hướng Nam 20,500 bộ.
- 2 hiểu!
- 3 hiểu!
- 4 hiểu!
Tuần tự từng chiếc lao vào mục tiêu. Những đóm lửa loé sáng. . . những tiếng nổ phụ.. . . Tôi lao vào mục tiêu nhấm vào bãi đậu phi cơ, tôi bay xuống thấp. 3000, 2500 rồi 2000 bộ. Tôi bấm nút thả bom. . . Tôi kéo vụt phi cơ lên, quay lại nhìn . . .Bốn quả bôm nổ, phi cơ bị chao động mạnh, có lẽ tôi xuống quá thấp. . .
Phi trường tối đen không một ánh đèn. Chúng tôi không ghi nhận một hoả lực nào từ dưới đất. Có lẽ bè lủ Nguyễn Thành Trung quá vui mừng vì phi vụ thả bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất ban chiều hoặc là vì chúng tôi trả đủa một cách quá bất ngờ nên chúng chưa kịp có phản ứng?. . .
Chỉ với 1 phi tuần 4 phi cơ A-37 với hoả lực quá ít oi, phi vụ trả đũa nầy không làm sao xoay trở tình thế, chỉ muốn cho bọn cộng sản biết rằng các phi công khu trục của VNCH sẳn sàng dập tắt những âm mưu xâm lăng của cộng sản.

*****
Oanh kích xong chúng tôi lên cao độ 20500 bộ, tập họp lại đổi sang tần số 3, báo cáo phi vụ hoàn tất cho Đài Kiểm Báo Paris rồi lấy hướng 210 trực chỉ Tân Sơn Nhất. . .Mọi người giử im lặng trên tần số.
Chúng tôi hạ cánh lúc 1 giờ 15 rạng ngày 29 tháng 4. Vào đến Phòng Hành Quân chưa kịp uống ly cà phê, đã phải tối tâm mặt mủi khi những quả pháo kích của địch rót xối xả vào những phi cơ A-37 đang đậu trên đường di chuyển (taxi way) (mãi cho đến giờ phút nầy chúng tôi vẫn không hiểu ai đã ra lịnh cho mang phi cơ ra đậu trên đường di chuyển).
Cộng quân tiếp tục pháo kích cho đến sáng, toàn bộ phi cơ A-37 của KĐ92CT hầu như bị phá hủy hoặc hư hại nặng, không còn có khả năng bay được nữa.
Ngày hôm sau (30 tháng 4), Tân Sơn Nhất vô cùng hỗn loạn, người người xuôi ngược tìm phương tiện thoát thân. May mắn cho thiếu tá Vũ Ngọc Liễn tìm được phi cơ xuống SĐ4KQ và sau đó đã tìm được phương tiện đi Utapao, hiện đang cùng gia đình định cư tại Lake Elsinore (CA).
Riêng cá nhân tôi, Tr/tá Thi và Th/tá Chấn dù có tìm đường lặn lội xuống tới Rạch Giá vẫn không thoát được số “tù”. Rồi cả 3 bị bắt vào trại “cải tạo”. Anh Thi (3 lần vô ra trại tù) tổng cộng 13 năm tù, tôi 10 năm rưởi, Chấn 9 năm. . . Chấn ra tù và vượt biên năm 1984, hiện đang sống cùng gia đình ở Orlando (FL). Tôi vượt biên năm 1986 và đang sống với gia đình tại San José (CA). Anh Thi đi diện HO năm 1992, định cư ở Dallas (Texas). Anh đột ngột mất đi ngày 12 tháng 1 năm 1995 trong nỗi cô đơn nơi xứ người.
Tôi viết lại hồi ký nầy để tưởng nhớ đến anh Nguyễn Văn Thi, một người chỉ huy giỏi, dũng cảm, một người anh và là một người bạn chân thành. Cũng xin gởi đến 2 bạn Chấn và Liễn, những người bạn cùng khóa (63A/SVSQKQ) đã cùng sát cánh bên nhau cho đến ngày tàn cuộc chiến.

KQ Tạ Thượng Tứ
Tháng Tư Đen 2014

…………………………………………� �……………………………
Ghi chú: Phi tuần Phong Giao
Số 1: Thiếu tá Nguyễn Phấn Chấn, Phi Đoàn Phó PĐ548 Ó Đen
Số 2: Thiếu tá Vũ Ngọc Liễn, Phi Đoàn Phó PĐ 524 Thiên Lôi
Số 3: Trung tá Nguyễn Văn Thi, Phi Đoàn Trưởng PĐ 534 Kim Ngưu
Số 4: Thiếu tá Tạ Thượng Tứ Trưởng Phòng Huấn Luyện KĐ92CT/Phan Rang